Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Giảm áp lực nhưng không ít băn khoăn

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 29) có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, trong đó có nhiều điểm mới quy định về dạy thêm, học thêm. Đây là chủ trương nhằm giảm áp lực học thêm cho học sinh phổ thông và tránh tình trạng tiêu cực trong vấn đề dạy thêm, học thêm. Cho đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn và cán bộ, giáo viên đã thực hiện nghiêm túc Thông tư 29. Tuy nhiên, cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh vẫn còn nhiều băn khoăn, nhất là đối với phụ huynh, học sinh cuối cấp.

Tiết học của cô và trò lớp 9B, Trường THCS Thượng Đình (Phú Bình).

Tiết học của cô và trò lớp 9B, Trường THCS Thượng Đình (Phú Bình).

Các trường ngừng dạy thêm, học thêm

Học thêm là nhu cầu rất lớn của nhiều phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên tại thời điểm Thông tư 29 được ban hành cho đến nay, hàng loạt các trường trên địa bàn tỉnh đã dừng hoạt động dạy thêm, học thêm.

Một trong những quy định của Thông tư 29 là không dạy thêm đối với cấp tiểu học; dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền học sinh; không được xếp thời khóa biểu xen kẽ chính khóa và dạy thêm; tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh; giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng; dạy thêm thu tiền phải đóng thuế.

Bên cạnh đó, Thông tư 29 cũng quy định rõ việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ dành cho 3 đối tượng: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường...

Các học sinh lớp 12, Trường THPT Gang Thép, ôn tập kiến thức trên lớp.

Các học sinh lớp 12, Trường THPT Gang Thép, ôn tập kiến thức trên lớp.

Năm học 2024-2025 này, Trường THPT Gang Thép có 33 lớp với gần 1.500 học sinh, trong đó 497 học sinh lớp 12. Nhà trường hiện đã dừng hẳn hoạt động dạy thêm. Ông Dương Xuân Hải, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Chúng tôi thực hiện nghiêm túc Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 778/UBND-KGVX ngày 11/2/2025 của UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; Công văn số 55/SGDĐT-GDTrH-GDTX ngày 13/2/2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện Thông tư số 29.

Tương tự, Trường THCS Thượng Đình (Phú Bình) cũng đã dừng hoạt động dạy thêm, học thêm từ hơn 1 tháng nay. Lãnh đạo Nhà trường đã và đang tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết không vi phạm về dạy thêm, học thêm theo quy định tại Thông tư 29. Một trong những nội dung cam kết được nhấn mạnh đó là: Tuyệt đối chấp hành các văn bản về dạy thêm, học thêm do Hiệu trưởng Nhà trường đã triển khai, phổ biến; không dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà bản thân giáo viên đang dạy chính khóa...

Không chỉ tại Trường THPT Gang Thép, Trường THCS Thượng Đình, mà hiện nay 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều không tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường. 100% trường học tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết không vi phạm Thông tư 29, không dạy thêm tại nhà, khi dạy thêm tại các trung tâm có đăng ký kinh doanh và phải báo cáo với lãnh đạo nhà trường....

Người trong cuộc băn khoăn

Với những quy định tại Thông tư 29, rất nhiều phụ huynh, học sinh gần như trút bỏ được áp lực về vấn đề học thêm. Nhất là đối với các gia đình còn khó khăn về kinh tế. Trước đây, khi chưa có quy định này, không ít gia đình phải nỗ lực, tính toán để các con tham gia các lớp học thêm. Phần vì để bù đắp lỗ hổng kiến thức, nhưng nỗi lo lớn hơn là sợ con sẽ bị “thiệt thòi” hơn các bạn, khi không tham gia học thêm.

Mặc dù nhiều phụ huynh mừng vì Thông tư 29 ban hành đã giảm áp lực đối với con em, nhưng cũng không ít băn khoăn tìm nơi học thêm cho con em. Đó là mối lo không yên tâm về môi trường học tập tại trung tâm khi đăng ký cho con đến học thêm, hay chi phí ở trung tâm đắt hơn nhiều so với học tại trường, khó cân đối được nguồn tài chính để cho con theo học... Đặc biệt là trên 18.000 phụ huynh đang có con học lớp 12 và trên 20.600 phụ huynh có con theo học lớp 9, đang chuẩn bị bước vào các kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi chuyển cấp.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Toán Trường THPT Gang Thép, cũng là phụ huynh có con đang học lớp 12, chia sẻ: Trong mỗi giờ học thêm, giáo viên là người định hướng, giúp các con ôn tập kiến thức một cách tốt nhất. Bởi vậy, tôi hoàn toàn yên tâm gửi con tham gia các lớp học thêm tại Trường. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, Nhà trường dừng hoạt động dạy thêm, học thêm. Hơn nữa, Thông tư cũng quy định học sinh không được học thêm thầy, cô đang dạy trên trường nên tôi rất băn khoăn, lo lắng về việc tìm thầy, cô phù hợp để định hướng, giúp con ôn tập để có kiến thức vững vàng cho kỳ thi sắp tới....

Là học sinh lớp 9B, Trường THCS Thượng Đình (Phú Bình), em Dương Vân Anh, cho biết: Là học sinh cuối cấp, sinh sống ở vùng nông thôn, chúng em ít có điều kiện theo học tại các trung tâm. Em và các bạn mong muốn được Nhà trường tổ chức, các thầy, cô giáo tăng cường ôn tập kiến thức 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh để chúng em nắm vững được kiến thức và tự tin trước kỳ thi vào lớp 10 THPT sắp tới.

Bên cạnh sự băn khoăn của các bậc phụ huynh về việc tìm chỗ học thêm cho con thì các nhà trường cũng không khỏi lo lắng về chất lượng đầu ra, đặc biệt đối với học sinh cuối cấp, học sinh có sức học yếu....

Phải đảm bảo lợi ích của học sinh

Về vấn đề dạy thêm, học thêm, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không cấm mà chỉ ban hành quy định rõ hơn về đối tượng, nội dung, cách thức quản lý; đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của học sinh, không bị ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào. Để việc quản lý dạy thêm cho hiệu quả, thực chất, không để xảy ra việc ép học sinh đi học thêm; dạy thêm, học thêm nhằm đáp ứng nhu cầu và đảm bảo lợi ích chính đáng của học sinh.

Để kịp thời cùng cố kiến thức cho học sinh cuối cấp, hiện các nhà trường đã có kế hoạch ôn tập miễn phí đối với học sinh lớp 9 và 12; tổ chức đăng ký và bố trí giáo viên hướng dẫn ôn tập để các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và kỳ thi vào lớp 10 THPT tới đây tự tin và đạt kết quả cao nhất. Các giáo viên được phân công giảng dạy cũng dồn hết tâm huyết, công sức để hoàn thành tốt các tiết ôn tập cho học sinh.

Cô giáo Trần Thị Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Đình (Phú Bình): Chúng tôi luôn quan tâm, trăn trở để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là chất lượng đầu ra. Năm học này, Trường có 151 học sinh lớp 9/tổng số 750 học sinh của toàn trường. Bởi vậy, bên cạnh thực hiện nghiêm túc Thông tư 29, Ban Giám hiệu Nhà trường đã thống nhất xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên tổ chức ôn tập thật tốt cho học sinh, đồng hành để các em tự tin bước vào kỳ thi lớp 10 THPT đạt kết quả tốt nhất...

Hiện, một số trường đã dự kiến sắp xếp, bố trí các tiết dạy ôn tập cho học sinh cuối cấp vào 2 buổi/tuần (được tính vào định mức giờ giảng của giáo viên). Một số trường khác trước mắt động viên các giáo viên dạy miễn phí cho học sinh... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp linh hoạt tạm thời.

Theo quy định tại Thông tư 29 thì kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, các phụ huynh, học sinh rất mong ngành giáo dục tỉnh nhà, các nhà trường đưa ra giải pháp kịp thời nhằm động viên giáo viên nâng cao nhiệt huyết, trách nhiệm trong giảng dạy, tham gia các lớp dạy thêm (không thu tiền) do nhà trường tổ chức, đảm bảo theo quy định, hướng dẫn của Thông tư 29.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cần phối hợp với các ngành liên quan tham mưu tích cực để UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ phần nào cho giáo viên được phân công hướng dẫn, ôn tập học sinh cuối cấp, bồi dưỡng học sinh giỏi...; đồng thời, xây dựng quy định, quy chế và mức chi công khai, rõ ràng.

Theo ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Bên cạnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm, trên cơ sở bám sát những nội dung của Thông tư số 29, Sở Giáo dục và Đào tạo động viên, khuyến khích kịp thời các giáo viên dạy ôn tự nguyện cho học sinh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm nếu có.

Giải pháp để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm trong nhà trường không phải là không có và không khả thi. Tuy nhiên, để làm được điều này sẽ cần một thời gian nhất định. Trong khi đó, nhu cầu học thêm của học sinh là thường xuyên, liên tục và không có độ trễ bởi đây là thời điểm cuối của năm học. Nhất là đối với năm học 2024-2025, khi mà chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở năm đầu tiên đối với học sinh lớp 9 và lớp 12.

Thảo Nguyên - Hoàng Anh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202502/quy-dinh-moi-ve-day-them-hoc-them-giam-ap-luc-nhung-khong-it-ban-khoan-d003708/
Zalo