Quy định mới về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: Cần đảm bảo tính khả thi

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 12/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tại tổ 7 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Kiên Giang, Thành phố Huế.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu cho biết, quan điểm sửa đổi Luật là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã có chỉ đạo rõ của cấp có thẩm quyền; những vấn đề cấp thiết xuất hiện trong thực tế để cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương Đảng và kịp thời khắc phục một số bất cập đã được tổng kết trong triển khai Luật Bầu cử thời gian qua. Nội dung cơ bản trọng tâm trong sửa đổi lần này gồm các nhóm nội dung chính: Sửa đổi các quy định liên quan đến việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử; Sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp; Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản có nội dung liên quan đến công tác bầu cử và Sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Về quy định điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, rút ngắn từ 70 ngày (theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật hiện hành) xuống còn 42 ngày từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử theo dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, tất cả các bước trong quy trình, thủ tục bầu cử diễn ra trong thời gian 42 ngày đã được cơ quan soạn thảo tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi và tiến độ như yêu cầu đề ra.

Về vấn đề nhận đơn khiếu nại và giải quyết đơn khiếu nại, dự thảo Luật hiện quy định rút ngắn thời gian tiếp nhận, khiếu nại kết quả bầu cử (từ 5 ngày xuống còn 3 ngày) và thời gian giải quyết khiếu nại bầu cử (giảm từ 30 ngày đối với bầu cử Đại biểu Quốc hội và 20 ngày đối với bầu cử Hội đồng nhân dân, xuống còn 7 ngày). Lý giải nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua thực tế công tác, số lượng đơn thư khiếu nại về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử thường nhiều hơn so với số lượng đơn thư khiếu nại về kết quả bầu cử. Mà theo Luật hiện hành quy định về Khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử tại Điều 61, khoản 4: Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân khóa mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Do đó, theo Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, việc quy định rút ngắn thời gian khiếu nại và giải quyết đơn khiếu nại như đề xuất đã được cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ dựa trên thực tế và không làm ảnh hưởng đến hiệu quả việc nhận đơn khiếu nại và giải quyết đơn khiếu nại bầu cử.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 7

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 7

Liên quan tới quy định về số lượng thành viên Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, dự thảo Luật hiện đang quy định: Ủy ban bầu cử ở tỉnh có từ 21 đến 31 thành viên, Ủy ban bầu cử ở xã quy định từ 9 đến 15 thành viên; Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có từ 11 đến 13 thành viên. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có từ 7 đến 9 thành viên. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, đề xuất số lượng thành viên như trên đã có điều chỉnh tăng so với Luật hiện hành, cân đối dựa trên diện tích địa phương và số dân cư sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, cân nhắc chỉnh lý nội dung này nếu như có kiến nghị từ các đại biểu Quốc hội để quy định cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 7

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 7

Cũng tại phiên thảo luận tổ, cho ý kiến về việc điều chỉnh thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu quan điểm, việc giảm thời gian như quy định trong dự thảo Luật sẽ không đặt áp lực cho ứng cử viên, mà chủ yếu đặt áp lực cho các cơ quan và đơn vị tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, Đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn thời gian nộp hồ sơ ứng cử rút ngắn bao nhiêu ngày, có ảnh hưởng đến việc chuẩn bị hồ sơ của ứng cử viên hay không.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Về hình thức vận động bầu cử, đại biểu cơ bản nhất trí với việc bổ sung hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến, để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 7

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 7

Quan tâm tới vấn đề quy định vận động bầu cử của các ứng cử viên, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, Dự thảo Luật nên xem xét quy định chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính công bằng và tránh xảy ra tiêu cực trong hoạt động vận động bầu cử. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng bày tỏ hoàn toàn đồng tình với việc dự thảo Luật đã bổ sung thành phần đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia làm Ủy viên Ủy ban bầu cử ở tỉnh (khoản 1 Điều 22) để đảm bảo tính đại diện trong chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Góp ý vào quy định về cơ cấu người ứng cử, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hiện nay trong dự thảo quy định: Số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ rất khó xác định. Qua hoạt động giám sát, có thể thấy, việc thực hiện những nguyên tắc này tại các địa phương rất khác nhau, nhiều trường hợp không đạt được yêu cầu về mục tiêu, cũng như về chính sách dân tộc. Do vậy, đại biểu đề nghị nên xem xét sửa quy định này thành: "Số lượng người ứng cử được xác định phù hợp với đặc điểm cơ cấu dân tộc của từng địa phương" để rõ ràng, cụ thể hơn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các Đại biểu cho ý kiến vào các dự án Luật: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026./.

Hiền Trang – Nguyễn Nga - Trọng Quỳnh - Đức Nghĩa

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94068
Zalo