Quy định mới nhất về từ chức, miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý

Chính phủ vừa có quy định mới sửa đổi, bổ sung các quy định về việc xem xét từ chức, miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 06/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Một trong những điểm đáng chú ý tại nghị định này là quy định về từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý.

5 trường hợp được xem xét từ chức

Theo đó, nghị định nêu rõ việc xem xét từ chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong năm trường hợp cụ thể, gồm:

Tự nguyện thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ sức khỏe, uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Để cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% nhưng không quá 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của cấp có thẩm quyền. Đây là hai quy định hoàn toàn mới được bổ sung so với Nghị định 138/2020 trước đó.

Ngoài ra, việc xem xét từ chức còn được thực hiện với ‘các lý do chính đáng khác’.

 Chính phủ vừa có quy định mới sửa đổi, bổ sung các quy định về việc xem xét từ chức, miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý. Ảnh minh họa: THUẬN VĂN

Chính phủ vừa có quy định mới sửa đổi, bổ sung các quy định về việc xem xét từ chức, miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý. Ảnh minh họa: THUẬN VĂN

Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nếu từ chức ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của Đảng và Nhà nước sẽ không được xem xét cho từ chức.

Quy định này còn được áp dụng trong trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Về quy trình, chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn từ chức, cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đang công tác có trách nhiệm trao đổi với công chức và báo cáo cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định.

Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định việc cho công chức từ chức; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày làm việc.

Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức nếu có nguyện vọng công tác thì cấp có thẩm quyền căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét bố trí công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Vi phạm trách nhiệm nêu gương sẽ bị xem xét miễn nhiệm

Đối với việc xem xét miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong tám trường hợp. Cụ thể, công chức bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ; bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hai lần trở lên trong cùng thời hạn bổ nhiệm.

Công chức có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của cấp có thẩm quyền; có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra công chức lãnh đạo, quản lý cũng bị xem xét miễn nhiệm khi bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đang công tác; Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Công chức lãnh đạo, quản lý là người đứng đầu để cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng cũng bị xem xét miễn nhiệm. Và thứ 8 là các trường hợp khác theo quy định.

Về quy trình, khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ có trách nhiệm trao đổi với công chức và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.

Tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị và thường vụ cấp ủy cùng cấp phải thảo luận, xác định rõ căn cứ miễn nhiệm theo đề xuất của cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ trước khi biểu quyết bằng phiếu kín.

Việc quyết định miễn nhiệm đối với công chức phải đạt trên 50% tập thể lãnh đạo, thường vụ cấp ủy cùng cấp đồng ý; trường hợp đạt 50% trở xuống thì do người đứng đầu quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Sau khi công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm, cấp có thẩm quyền xem xét bố trí công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; công chức có trách nhiệm chấp hành quyết định phân công của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì cấp có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định.

Về chế độ, chính sách, sau khi công chức lãnh đạo, quản lý từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì được cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo. Việc bố trí công tác đối với công chức xin từ chức sau khi bị kỷ luật thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức nếu tiếp tục công tác thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ; được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng trong thời gian sáu tháng kể từ ngày có quyết định cho từ chức trong trường hợp thời hạn giữ chức vụ còn sáu tháng trở lên theo đúng quy định.

Công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm không được hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.

Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi miễn nhiệm có nguyện vọng tiếp tục công tác thì được cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý) và xếp vào ngạch công chức phù hợp với vị trí việc làm.

Sau khi từ chức, miễn nhiệm nếu công chức tự nguyện xin nghỉ hưu, thôi việc thì được giải quyết theo quy định hiện hành.

*****

Như vậy, quy định về miễn nhiệm, từ chức với công chức lãnh đạo, quản lý lần này đã được sửa đổi, bổ sung nhằm đồng bộ với Quy định 41/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Theo đó, từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

- Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

- Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

- Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

ĐỨC MINH

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/quy-dinh-moi-nhat-ve-tu-chuc-mien-nhiem-voi-cong-chuc-lanh-dao-quan-ly-post811075.html
Zalo