Quy định mới giúp tài sản công được quản lý minh bạch, hiệu quả

Với mục đích sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Quy định rõ về thẩm quyền mua sắm tài sản công

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) số 15/2017/QH14 đã được triển khai tới nay là hơn 6 năm. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nảy sinh trong quá trình thực thi.

Theo đó, tại Nghị định số 114, nhiều nội dung quan trọng đã được điều chỉnh, sửa đổi như: khai thác TSC tại cơ quan nhà nước; xử lý vật tư, vật liệu thu hồi được trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa TSC; thẩm quyền quyết định bán TSC... Trong đó, đáng chú ý là các quy định liên quan đến mua sắm, quản lý và sử dụng TSC nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Ảnh TL minh họa.

Ảnh TL minh họa.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 về mua sắm TSC phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm TSC trong trường hợp phải lập dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Nghị định số 114 quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC về các nội dung: Giao, mua sắm, thuê, khai thác, quản lý vận hành, chuyển đổi công năng sử dụng, xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác, xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Đối với trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên, Nghị định nêu rõ thẩm quyền quyết định mua sắm TSC thuộc về bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, hoặc cơ quan trung ương khác trong phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Ở cấp địa phương do HĐND cấp tỉnh có quyền quyết định mua sắm TSC phục vụ cho hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi địa phương quản lý.

Căn cứ vào dự toán ngân sách và nguồn kinh phí được giao, cơ quan nhà nước sẽ tổ chức thực hiện việc mua sắm tài sản theo các quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc mua sắm theo phương thức tập trung cũng được quy định cụ thể trong Nghị định, đảm bảo minh bạch, hiệu quả và phù hợp với các quy trình đấu thầu hiện hành.

Nghị định của Chính phủ cũng quy định rõ, việc mua sắm tài sản theo quy định này không bao gồm mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Nghị định số 114 cũng bổ sung thêm quy định về mua sắm, quản lý và sử dụng TSC là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.

Theo Nghị định, vật tiêu hao là các loại nguyên nhiên liệu, thuốc, sinh phẩm, vật tư, văn phòng phẩm và các vật liệu khác mà khi đã sử dụng một lần sẽ mất đi hoặc không giữ nguyên được hình dáng, tính chất và công dụng ban đầu.

Bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định mua vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi mình quản lý. HĐND quy định thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ qua nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Ảnh TL minh họa.

Ảnh TL minh họa.

Căn cứ nhu cầu sử dụng, phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện mua sắm vật tiêu hao theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đối với những vật tiêu hao bị mất đi trong quá trình sử dụng, cơ quan nhà nước không phải thực hiện việc xử lý. Tuy nhiên, với các vật tiêu hao không bị mất đi trong quá trình sử dụng, cơ quan nhà nước phải tiến hành hủy bỏ khi chúng hết hạn sử dụng hoặc không còn giá trị sử dụng.

Thuê tài sản phải dựa vào dự toán và nguồn kinh phí được giao

Tại Nghị định 114 cũng quy định rõ thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước (sửa đổi Điều 4).

Nghị định số 114 không điều chỉnh đối với tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước; đất đai; tài nguyên; nhà ở là TSC; sử dụng TSC để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án...

Cụ thể, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền thuê tài sản cho các cơ quan nhà nước thuộc quyền quản lý địa phương.

Nghị định cũng quy định rõ, việc thuê tài sản phải dựa trên phạm vi dự toán ngân sách và nguồn kinh phí được giao. Quy trình thuê tài sản cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định về đấu thầu, đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh.

Đặc biệt Nghị định nêu rõ, việc thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước quy định tại Điều 4 không áp dụng cho việc thuê các dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn NSNN và pháp luật có liên quan.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quy-dinh-moi-giup-tai-san-cong-duoc-quan-ly-minh-bach-hieu-qua-159791.html
Zalo