Quy định khí thải với ô tô: Tính kỹ lộ trình

Nếu thực hiện siết khí thải ngay với ô tô thì bên cạnh nhiều hình dung tích cực vẫn còn không ít băn khoăn từ tài xế, doanh nghiệp...

Sở hữu ô tô 7 chỗ dòng Fortuner (Toyota) đời 2016, anh Phạm Văn Hiếu (huyện Hóc Môn, TP HCM) băn khoăn trước thông tin xôn xao mấy ngày nay.

Phải đổi xe trước năm 2026?

Thông tin anh Hiếu băn khoăn liên quan tới việc Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam. Theo đó, quy chuẩn được dự kiến áp dụng 5 mức chuẩn khí thải tương đương tiêu chuẩn Euro, với mức 5 là khắt khe nhất.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2026, ô tô sản xuất từ năm 2017 áp dụng mức 3, nếu đăng ký biển số của Hà Nội và TP HCM là mức 4. Ô tô có năm sản xuất từ 2022 áp dụng mức 4 từ ngày 1-1-2026 và mức 5 từ ngày 1-1-2028, riêng TP HCM với Hà Nội thì thời điểm áp dụng mức 5 là 1-1-2027. Trong khi đó, ô tô sản xuất từ trước năm 1999 áp dụng mức 1 và ô tô sản xuất từ năm 1999 áp dụng mức 2 ngay khi quyết định có hiệu lực.

Bộ NN-MT tính toán phương án siết khí thải với ô tô, đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM, sẽ giảm đáng kể lượng phát thải từ phương tiện giao thông, cải thiện chất lượng không khí. Đồng thời, kích thích thị trường ô tô chuyển đổi sang xe có tiêu chuẩn phát thải thấp, mở ra cơ hội cho các dòng xe điện và xe hybrid cũng như tác động tích cực về kinh tế - xã hội.

Cơ quan này cũng chỉ ra chi phí sở hữu phương tiện có thể tăng do giá xe mới sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải cao hơn, doanh nghiệp vận tải buộc phải nâng cấp đội xe, tạo áp lực tài chính nếu không có cơ chế hỗ trợ. Ngoài ra, người dân đối diện khó khăn trong mua bán xe cũ khi những xe có tiêu chuẩn khí thải thấp dần bị loại khỏi thị trường.

Theo anh Phạm Văn Hiếu, nhiều người dân "mua đi bán lại" các dòng xe đời 2016, 2017 vì hợp túi tiền, tiết kiệm chi phí. "Nếu quy định ô tô đời 2016, 2017 tiêu chuẩn khí thải phải đạt mức 4 từ ngày 1-1-2026 thì xe tôi coi như không được vào nội đô vì khí thải chỉ mức 2" - anh Hiếu nói và cho biết chiếc xe còn hoạt động tốt, xe nhà nên được giữ gìn cẩn thận.

Tại TP HCM, người dân sở hữu ô tô có thời điểm sản xuất cách đây 5 - 10 năm rất nhiều. Ảnh: THU HỒNG

Tại TP HCM, người dân sở hữu ô tô có thời điểm sản xuất cách đây 5 - 10 năm rất nhiều. Ảnh: THU HỒNG

Doanh nghiệp gặp khó

Là người kinh doanh ô tô và quản lý HTX Vận tải du lịch Châu Hà, bà Đào Thị Tuyết cho rằng nếu nội đô TP HCM cấm phương tiện sản xuất năm 2016, 2017 lưu thông khi không đạt chuẩn sẽ khó cho doanh nghiệp vận tải. Lý do, nhà xe không thể vào nội đô rước khách, càng không thể đầu tư thêm xe mới để trung chuyển khách ra ngoại thành vì quá tốn kém chi phí.

"Theo tôi, nhà nước nên xem xét lại, chưa siết khí thải với phương tiện đời 2016, 2017 mà nên cấm các phương tiện đời 2005, 2006 sắp hết niên hạn sử dụng vào nội đô thì hợp lý hơn" - bà Tuyết nói.

Chung suy nghĩ, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc chuỗi ô tô Hiền TP HCM, nói thêm người dân ở những thành phố lớn sở hữu ô tô có năm sản xuất cách đây 5 - 10 năm rất nhiều. Nếu thực hiện quy định thì xe cũ bán ra rất khó, mua xe mới thì tốn nhiều tiền.

Tương tự, ông Tạ Công Tiên, Giám đốc chuỗi Chợ xe kiểu Mỹ tại TP HCM, lo lắng quy định dễ dẫn tới thị trường xe cũ "đứng hình", không mua bán gì được.

Nên linh hoạt

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, kể sau dịch COVID-19 đến nay, doanh nghiệp vận tải vẫn chật vật hồi sinh và chưa trở về tình trạng tốt nhất. Nếu áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới từ ngày 1-1-2026, nhiều phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải phải thay mới, vừa tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, vừa lãng phí tài sản vì phương tiện vẫn còn niên hạn sử dụng.

Trong khi đó, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP HCM, cho biết dựa trên mối quan tâm chất lượng sống của người dân, ông ủng hộ việc kiểm soát khí thải phương tiện tại 2 đô thị lớn TP Hà Nội và TP HCM cao hơn địa phương khác. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường không chỉ riêng hoạt động giao thông mà có cả hoạt động công nghiệp, nông nghiệp... Nếu siết thì các bộ ngành nên đánh giá tỉ trọng gây ô nhiễm từng ngành rồi tập trung siết tiêu chuẩn của ngành đó.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết ở các nước châu Âu hiện nay đang áp dụng mức 6 nhưng không cấm những xe đạt mức khí thải thấp hơn. Chẳng hạn đối với những xe quá cũ sử dụng mức 1, 2, 3 thì bị hạn chế lưu thông vào những ngày có chỉ số ozon cao. Bất kể xe mới hay xe cũ khi lưu thông, xả ra khói mà mắt thường nhìn thấy được sẽ bị phạt 2.000 USD.

Bộ NN-MT cho hay vì chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam nên cần xây dựng và ban hành để thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cần rõ ràng, đồng bộ

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - nhận xét siết chặt tiêu chuẩn khí thải của ô tô và xe máy là cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đáng báo động. Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng công cụ kỹ thuật thông qua tiêu chuẩn khí thải, nếu kiểm tra xe không đạt thì sẽ không được lưu hành chứ không phải có được vào thành phố hay không.

Tuy vậy, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng trước mỗi chính sách bao giờ cũng có nhiều luồng dư luận, vì vậy, cần lộ trình và hướng dẫn rõ ràng để người dân hiểu và thực hiện đúng. Cùng với đó, Nhà nước đẩy mạnh phát triển, đồng bộ hệ thống giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

LÊ THÚY - NGUYỄN HẢI - THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quy-dinh-khi-thai-voi-o-to-tinh-ky-lo-trinh-196250513205947096.htm
Zalo