Quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ khác trong lĩnh vực Du lịch
Thực hiện Quyết định số 3564/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Pháp chế đã biên soạn tài liệu cung cấp thông tin pháp luật, chính sách của ngành liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với các câu hỏi – đáp quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ khác trong lĩnh vực Du lịch.
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ KHÁC TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH
Phần 1. Kinh doanh vận tải khách du lịch
Câu hỏi 1: Theo quy định của pháp luật, kinh doanh vận tải khách du lịch là gì?
Trả lời:Theo quy định tại Luật Du lịch, kinh doanh vận tải khách du lịch là một trong những hoạt động kinh doanh du lịch, quy định.
Điều 45 Luật Du lịch quy định kinh doanh vận tải khách du lịch là việc cung cấp dịch vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ chuyên phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch, tại khu du lịch, điểm du lịch.
Câu hỏi 2: Pháp luật quy định về điều kiện phương tiện vận tải khách du lịch hàng không, hàng hải, đường sắt gồm những điều kiện gì:
Trả lời: Theo quy định tại Điều 45 Luật Du lịch, Điều 3 Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15/11/2017 quy định điều kiện của người điểu khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch, điều kiện phương tiện vận tải khách du lịch hàng không, hàng hải, đưởng sắt gồm:
- Đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải; quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải;
- Điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải hàng không, hàng hải, đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không, hàng hải, đường sắt
Câu hỏi 3: Điều kiện phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ được quy định như thế nào?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 45 Luật Du lịch, Điều 3, 4, 6 Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15/11/2017 quy định điều kiện của người điểu khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch, điều kiện phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ phải:
- Đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải; quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải;
- Điều kiện của người điều khiển phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật đường bộ
- Quy định đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ
Nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch phải được đơn vị kinh doanh vận tải tập huấn nghiệp vụ du lịch (trừ trường hợp nhân viên phục vụ trên phương tiện là Hướng dẫn viên du lịch hoặc đã được bồi dưỡng, đào tạo chuyên ngành du lịch hoặc các ngành có liên quan tại các cơ sở đào tạo từ trung cấp nghiệp vụ du lịch trở lên).
Đối với lái xe đồng thời là nhân viên phục vụ khi vận chuyển khách du lịch, đơn vị kinh doanh vận tải phải tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người lái xe như nội dung tập huấn đối với nhân viên phục vụ.
- Quy định về trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải đường bộ
Xe ô tô phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Xe ô tô phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Xe ô tô phải được niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Xe ô tô vận tải khách du lịch phải bảo đảm nội thất và tiện nghi như sau:
a) Xe ô tô dưới 09 chỗ phải có các trang thiết bị bao gồm: điều hòa nhiệt độ, thùng chứa đồ uống, dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng, dụng cụ thoát hiểm, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của lái xe;
b) Xe ô tô từ 09 chỗ đến dưới 24 chỗ, ngoài các quy định tại điểm a khoản này còn phải trang bị thêm: rèm cửa chống nắng, bảng hướng dẫn an toàn, thùng đựng rác;
c) Xe ô tô từ 24 chỗ trở lên (trừ ô tô chuyên dụng caravan), ngoài các quy định tại điểm b khoản này còn phải trang bị thêm micro, nơi cất giữ hành lý cho khách du lịch; có vị trí dành cho người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định.
Câu hỏi 4: Điều kiện phương tiện vận tải khách du lịch đường thủy nội địa được quy định như thế nào?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 45 Luật Du lịch, Điều 3, 5, 7 Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15/11/2017 quy định điều kiện của người điểu khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch, điều kiện phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ phải:
- Đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải; quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải;
- Điều kiện của người điều khiển phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật đường thủy nội địa.
- Quy định đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đường thủy nội địa
Nhân viên phục vụ phải được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; được huấn luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu đắm và sơ cứu y tế.
Nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa phải được đơn vị kinh doanh vận tải tập huấn nghiệp vụ du lịch (trừ trường hợp nhân viên phục vụ trên phương tiện là Hướng dẫn viên du lịch hoặc đã được bồi dưỡng, đào tạo chuyên ngành du lịch hoặc các ngành có liên quan tại các cơ sở đào tạo từ trung cấp nghiệp vụ du lịch trở lên).
- Quy định về trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải đường bộ
Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Phương tiện phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động - AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo theo quy định của pháp luật.
Trang bị đủ số lượng phao, áo phao cho du khách trên tàu.
Phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch phải đảm bảo nội thất và tiện nghi như sau:
a) Đối với phương tiện từ 12 ghế ngồi đến 20 ghế ngồi phải trang bị: Bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tại vị trí ghế ngồi của khách; có biểu đồ hành trình tuyến du lịch; có thùng chứa đồ uống; thùng đựng rác.
b) Đối với phương tiện từ 20 ghế ngồi đến 50 ghế ngồi ngoài các quy định tại điểm a khoản này còn phải trang bị: dụng cụ chống nắng, micro; tủ thuốc và các dụng cụ sơ cứu, cứu nạn theo danh mục quy định của Bộ Y tế; Khu vực phục vụ dịch vụ ăn uống và khu chế biến (nếu có) phải đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ.
c) Đối với phương tiện từ trên 50 ghế ngồi trở lên ngoài các quy định tại điểm b khoản này phải trang bị: Mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ hoặc quạt mát tương ứng với số khách du lịch được vận chuyển; phòng vệ sinh.
Câu hỏi 5: Pháp luật quy định về cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch như thế nào?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 46 Luật Du lịch; Điều 17 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, việc cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch cụ thể như sau:
- Trường hợp cấp: phương tiện đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đối với từng loại phương tiện.
- Hồ sơ đề nghị cấp:
a) Đơn đề nghị cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo Mẫu:
b) Bảng kê thông tin về trang thiết bị của từng phương tiện, chất lượng dịch vụ, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đáp ứng điều kiện;
c) Bản sao giấy đăng ký phương tiện hoặc giấy hẹn nhận giấy đăng ký phương tiện của cơ quan có thẩm quyền, bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện vận tải hoặc bản sao hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã.
- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp biển hiệu:
a) Đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc đối với phương tiện là xe ô tô và 07 ngày làm việc đối với phương tiện thủy nội địa kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, cấp biển hiệu cho phương tiện vận tải khách du lịch. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua địa chỉ giao dịch điện tử của đơn vị và nêu rõ lý do;
c) Trong quá trình thẩm định, Sở Giao thông vận tải kiểm tra thông tin về giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện trên hệ thống đăng kiểm Việt Nam; giấy phép kinh doanh vận tải đã cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải; cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình và chỉ cấp biển hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của phương tiện đáp ứng đầy đủ các quy định về lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
- Biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo Mẫu, có giá trị 07 năm và không quá niên hạn sử dụng còn lại của phương tiện.
- Phương tiện vận tải khách du lịch có biển hiệu được vận tải hành khách theo hợp đồng và được ưu tiên bố trí nơi neo đậu, dừng, đỗ để đón, trả khách du lịch tại sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, trong khu du lịch, gần điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và được hoạt động không hạn chế thời gian trên các tuyến giao thông dẫn tới các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm cung ứng dịch vụ du lịch theo quy định của chính quyền địa phương.
Câu hỏi 6: Pháp luật quy định như thế nào về cấp đổi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 46 Luật Du lịch; Điều 18 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, việc cấp đổi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch cụ thể như sau:
- Các trường hợp cấp đổi biển hiệu:
a) Thay đổi chủ sở hữu phương tiện vận tải khách du lịch hoặc thay đổi đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch;
b) Biển hiệu hết hạn.
- Hồ sơ đề nghị cấp:
a) Đơn đề nghị cấp biển đổi hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo Mẫu;
b) Bảng kê thông tin về trang thiết bị của từng phương tiện, chất lượng dịch vụ, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đáp ứng điều kiện;
c) Bản sao giấy đăng ký phương tiện hoặc giấy hẹn nhận giấy đăng ký phương tiện của cơ quan có thẩm quyền, bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện vận tải hoặc bản sao hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã.
- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp đổi biển hiệu:
a) Đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc đối với phương tiện là xe ô tô và 07 ngày làm việc đối với phương tiện thủy nội địa kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, cấp đổi biển hiệu cho phương tiện vận tải khách du lịch. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua địa chỉ giao dịch điện tử của đơn vị và nêu rõ lý do;
c) Trong quá trình thẩm định, Sở Giao thông vận tải kiểm tra thông tin về giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện trên hệ thống đăng kiểm Việt Nam; giấy phép kinh doanh vận tải đã cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải; cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình và chỉ cấp biển hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của phương tiện đáp ứng đầy đủ các quy định về lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Câu hỏi 7: Pháp luật quy định như thế nào về cấp lại biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 46 Luật Du lịch; Điều 19 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, việc cấp lại biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch cụ thể như sau:
- Trường hợp cấp lại: Biển hiệu được cấp lại khi bị mất hoặc hư hỏng.
- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp lại biển hiệu:
a) Đơn vị kinh doanh vận tải gửi đơn đề nghị cấp lại biển hiệu theo Mẫu số đến Sở Giao thông vận tải đã cấp biển hiệu cho phương tiện;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại biển hiệu, Sở Giao thông vận tải xem xét, cấp lại biển hiệu cho phương tiện vận tải. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua địa chỉ giao dịch điện tử của đơn vị và nêu rõ lý do.
- Thời hạn sử dụng biển hiệu cấp lại được tính theo thời hạn còn lại của biển hiệu đã bị mất hoặc hư hỏng.
Câu hỏi 8: Pháp luật quy định như thế nào về thu hồi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 46 Luật Du lịch; Điều 20 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, việc thu hồi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch cụ thể như sau:
- Các trường hợp thu hồi biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch:
a) Không bảo đảm điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải theo quy định của pháp luật;
b) Phương tiện vận tải bị tai nạn giao thông, không còn bảo đảm trạng thái kỹ thuật hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện bị thu hồi;
c) Cho mượn biển hiệu đã được cấp để gắn vào phương tiện khác.
- Đối với đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô, việc thu hồi biển hiệu được thực hiện theo quy định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thu hồi biển hiệu.
- Đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại biển hiệu khi có thông báo thu hồi của Sở Giao thông vận tải.
Phần 2. Kinh doanh dịch vụ du lịch khác
Câu hỏi 1: Theo quy định của pháp luật, các loại dịch vụ du lịch khác gồm những loại nào?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 54 Luật Du lịch, các loại dịch vụ du lịch khác bao gồm:
1. Dịch vụ ăn uống.
2. Dịch vụ mua sắm.
3. Dịch vụ thể thao.
4. Dịch vụ vui chơi, giải trí.
5. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
6. Dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch.
Câu hỏi 2: Cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng được các tiêu chuẩn gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL; Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL; Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL, cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng các quy định sau:
1. Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật.
2. Thông tin rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa.
3. Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
4. Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự.
5. Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
Câu hỏi 3: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng được các tiêu chuẩn gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL; Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL; Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng các quy định sau:
1. Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật.
2. Phòng ăn có đủ ánh sáng; có hệ thống thông gió; có bàn, ghế hoặc chỗ ngồi thuận tiện; nền nhà khô, sạch, không trơn, trượt; đồ dùng được rửa sạch và để khô; có thùng đựng rác.
3. Có thực đơn bằng tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ khác (nếu cần) kèm theo hình ảnh minh họa.
4. Bếp thông thoáng, có khu vực sơ chế và chế biến món ăn riêng biệt; có trang thiết bị bảo quản và chế biến thực phẩm.
5. Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo.
6. Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
7. Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
Câu hỏi 4: Cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng được các tiêu chuẩn gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL; Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL; Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL, cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng các quy định sau:
1. Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ thể thao theo quy định của pháp luật.
2. Có nội quy bằng tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ khác (nếu cần); có nơi đón tiếp, nơi gửi đồ dùng cá nhân và phòng tắm cho khách.
3. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ luyện tập và thi đấu; có dịch vụ cho thuê dụng cụ tập luyện, thi đấu phù hợp với từng môn thể thao.
4. Có người hướng dẫn, nhân viên phục vụ, nhân viên cứu hộ phù hợp với từng môn thể thao.
5. Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
6. Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
7. Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo.
Câu hỏi 5: Cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng được các tiêu chuẩn gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL; Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL; Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL, cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng các quy định sau:
1. Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vui chơi, giải trí theo quy định của pháp luật.
2. Có nội quy; có nơi đón tiếp, gửi đồ dùng cá nhân.
3. Có địa điểm, cơ sở vật chất, dụng cụ, phương tiện phù hợp với từng loại dịch vụ vui chơi giải trí.
4. Có người hướng dẫn, nhân viên phục vụ phù hợp với từng dịch vụ vui chơi, giải trí.
5. Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
6. Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
7. Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo.
Câu hỏi 6: Cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng được các tiêu chuẩn gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL; Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL; Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL, cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe muốn được công nhận và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phải đáp ứng các quy định sau:
1. Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật.
2. Có nơi đón tiếp, gửi đồ dùng cá nhân.
3. Có nội quy, quy trình bằng tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ khác (nếu cần); có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với từng loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
4. Có nhân viên y tế, kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ phù hợp với từng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
5. Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
6. Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
7. Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo.
Câu hỏi 7: Quy định của pháp luật về công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch như thế nào?
Trả lời: Điều 56 Luật Du lịch quy định về công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch khác được tự nguyện đăng ký công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hồ sơ đăng ký công nhận bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Bản thuyết minh đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch khác nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi đặt cơ sở kinh doanh;
b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và công nhận; trường hợp không công nhận, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch có thời hạn 03 năm. Sau khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch khác có nhu cầu đăng ký công nhận lại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
- Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đã được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn; thu hồi quyết định công nhận trong trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không bảo đảm các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của pháp luật.