Quy định chuyển tiếp liên quan đến một số vấn đề quan trọng, cấp bách

Bảo đảm hoạt động của chính quyền địa phương (CQĐP) khi chuyển đổi mô hình chính quyền từ 3 cấp sang 2 cấp liên tục, thông suốt, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp… Điều 49 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định những nội dung chuyển tiếp liên quan đến một số vấn đề quan trọng, cấp bách cần ưu tiên giải quyết.

 Kỳ họp thứ 30, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Khóa X

Kỳ họp thứ 30, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Khóa X

Ngày 24.3.2025, Bộ Nội vụ công bố nội dung dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) để lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình cấp thẩm quyền. Nội dung dự thảo tập trung 3 nhóm vấn đề: tổ chức đơn vị hành chính và mô hình CQĐP 2 cấp; phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp cơ sở và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương với địa phương, giữa CQĐP cấp tỉnh với CQĐP cấp cơ sở; giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức CQĐP từ 3 cấp sang 2 cấp.

Tập trung các nhiệm vụ phục vụ người dân

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức đơn vị hành chính và mô hình CQĐP 2 cấp (gồm: cấp tỉnh và cấp cơ sở) phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt. Theo đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành (gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), nhưng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh để bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời, để mở rộng không gian phát triển; tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở (gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo) để phù hợp với mô hình tổ chức mới; đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.

Dự thảo Luật cũng quy định CQĐP cấp tỉnh và cấp cơ sở đều tổ chức HĐND và UBND. HĐND hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; UBND hoạt động theo chế độ tập thể UBND kết hợp với đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND.

Dự thảo Luật đề cập việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp CQĐP theo hướng: (i) Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, vượt quá năng lực giải quyết của cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh; (ii) Cấp cơ sở là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở.

Đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, ngoài kế thừa quy định hiện hành, dự thảo Luật bổ sung quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư. CQĐP cấp cơ sở sẽ đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp huyện hiện nay.

Đồng thời, dự thảo Luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, CQĐP cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho CQĐP cấp cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp cơ sở, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho CQĐP phường, chính quyền địa phương đặc khu.

Bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt

Dự thảo Luật cũng đề cập việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của CQĐP cấp tỉnh và cấp cơ sở. Theo đó, cấp tỉnh cơ bản giữ như quy định hiện hành và tăng số lượng thích hợp đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh; bổ sung quy định Ủy viên của Ban của HĐND cấp tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để kế thừa quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị. Nội dung quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp cơ sở cơ bản được thiết kế như đối với HĐND và UBND cấp huyện (trước khi giải thể) nhưng có quy mô nhỏ hơn.

Bảo đảm cho hoạt động của CQĐP khi chuyển đổi mô hình chính quyền từ 3 cấp sang 2 cấp diễn ra liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Điều 49 dự thảo Luật quy định những nội dung chuyển tiếp liên quan đến một số vấn đề quan trọng, cấp bách cần ưu tiên giải quyết.

Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý như: Quy định hiệu lực và thẩm quyền xử lý các văn bản của CQĐP cấp huyện (sau khi giải thể); việc tiếp tục thực hiện các công trình, dự án đầu tư, các công việc, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của CQĐP cấp huyện chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng phát sinh vấn đề cần giải quyết; việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp tỉnh và cấp cơ sở...

THÀNH NHÂN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quy-dinh-chuyen-tiep-lien-quan-den-mot-so-van-de-quan-trong-cap-bach-post408761.html
Zalo