Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Quyết định số 18/2024/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Ba Đình. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Ba Đình. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 18/2024/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Quyết định nêu rõ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo hiểm tiền gửi; thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có nhiệm vụ:

- Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định: Dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi; chiến lược, chương trình, đề án, dự án quan trọng về phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi.

 Hoạt động nghiệp vụ tại ngân hàng TMCP Quốc Dân. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hoạt động nghiệp vụ tại ngân hàng TMCP Quốc Dân. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

- Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định, phê duyệt hoặc ban hành: Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động, an toàn hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản, thanh lý đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi.

- Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng và các loại giấy phép hoạt động ngân hàng khác theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Xử lý các vấn đề liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm góp phần đảm bảo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động lành mạnh, an toàn và theo đúng quy định của pháp luật theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Thực hiện một số nội dung về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

- Áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xử lý vi phạm đối với đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật.

- Giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có 7 đơn vị, gồm:

- Vụ Thanh tra hành chính (gọi tắt là Vụ I);

- Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (gọi tắt là Vụ II);

- Văn phòng;

- Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I (gọi tắt là Cục I);

- Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (gọi tắt là Cục II);

- Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III (gọi tắt là Cục III);

- Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (gọi tắt là Cục IV).

Quyền hạn của lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng được ra quyết định thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng được giao (trừ các cuộc thanh tra do Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định thanh tra theo quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng), thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng và không quá 4 Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng và quy định của pháp luật./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-dinh-chuc-nang-nhiem-vu-co-cau-cua-co-quan-thanh-tra-giam-sat-ngan-hang-post989735.vnp
Zalo