Quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
Sáng 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Trình bày tóm tắt Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo các quy định của Nghị quyết không trùng lặp, chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành về giải quyết và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đã được điều chỉnh tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Sau khi tích hợp, dự thảo Nghị quyết liên tịch gồm 7 chương, 58 điều, trong đó có 31 điều chung đối với việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, 27 điều quy định riêng đối với việc tiếp xúc cử tri của từng chủ thể.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Nghị quyết, đồng thời cho ý kiến cụ thể vào một số nội dung trọng tâm liên quan tới trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (Điều 10); quy định Ban Dân nguyện tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (Điều 52) và thời điểm thông qua Nghị quyết.
Nêu quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu làm rõ về phạm vi điều chỉnh. Trong đó, tập trung quy định về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gắn với việc xem xét, giải quyết, trả lời và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri. Đồng thời, tiếp tục quy định việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội sau kỳ họp thường lệ; quy định đầy đủ, cụ thể hơn về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ngoài địa bàn tỉnh, thành phố nơi đại biểu ứng cử, việc phối hợp tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định rõ trách nhiệm chủ trì tổ chức tiếp xúc cử tri ở địa phương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trình tự tiến hành cuộc tiếp xúc cử tri, trách nhiệm phối hợp và tham gia của đại diện chính quyền, các cơ quan chuyên môn của địa phương...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, cân nhắc điều chỉnh quy định về trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (Điều 10) và quy định Ban Dân nguyện tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (Điều 52).
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua quá trình chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng, đến thời điểm này, có thể xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Tuy nhiên, về nội dung dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đối với quy định tại Điểm b khoản 3 Điều 10 của dự thảo Nghị quyết quy định Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm “phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở cấp xã...” đề nghị quy định theo hướng Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức hoặc ủy quyền cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức và chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở cấp xã để bảo đảm chất lượng hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội vì trên thực tế không phải nơi nào cấp xã cũng đảm nhiệm tốt nội dung này.
Ngoài ra, về quy định Ban Dân nguyện tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (Điều 52), Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không quy định “cứng” giao Ban Dân nguyện nhiệm vụ này để đảm bảo tính tương thích với Luật Hoạt động giám sát và phù hợp với bối cảnh đang tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như bảo đảm tính ổn định và hiệu lực thi hành của Nghị quyết.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ của Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và các cơ quan có liên quan trong việc rà soát, tiếp thu để tích hợp nội dung dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành một dự thảo Nghị quyết điều chỉnh chung, đảm bảo chất lượng, đúng quy định pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, ý kiến của các cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung dự thảo Nghị quyết và nội dung giải trình tại Hồ sơ kèm theo. Về thời điểm có hiệu lực, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí xem xét, thông qua đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời, điều chỉnh nội dung về trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (Điều 10) theo hướng, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức hoặc ủy quyền cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức và chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở cấp xã; không nêu tên cụ thể của cơ quan chủ trì tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (Điều 52).
Tại phiên họp, với 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm 7 chương, 58 điều. Cụ thể: Chương 1 gồm 3 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc tiếp xúc cử tri. Chương 2 gồm 14 điều, quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp xúc cử tri. Chương 3 gồm 19 điều, quy định về hoạt động, hình thức, nội dung tiếp xúc cử tri. Chương 4 gồm 7 điều, quy định về tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chương 5 gồm 8 điều, quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết kiến nghị cử tri. Chương 6 gồm 4 điều, quy định về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Chương 7 gồm 3 điều, quy định về điều khoản thi hành.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua (ngày 6/1/2025).