Quy định chặt chẽ hơn việc quản lý hóa chất nguy hiểm
Cần quy định rất rõ về công tác quản lý và sử dụng hóa chất, đặc biệt với những hóa chất được phép lưu thông trên thị trường, hoặc hóa chất đặc biệt nguy hiểm. Đây là nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm khi thảo luận về Luật hóa chất sửa đổi sáng 8/5.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) mới nhất đã giảm 39 điều, còn 50 điều. Trong đó, khái niệm “sản phẩm hóa dược” được chỉnh lý rõ ràng, tách biệt với “dược”; Không tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố môi trường vào kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất. Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cũng bãi bỏ 9 nhóm thủ tục hành chính. Đồng thời các thủ tục hành chính được xây dựng theo hướng áp dụng tối đa công nghệ thông tin để có thể triển khai trên môi trường điện tử.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, hóa chất là ngành đặc biệt quan trọng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn lao động. Do vậy, cần có những quy định rõ hơn về công tác quản lý.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tại Điều 35: đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất, tại Khoản 2: Yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm về chuyên môn, an toàn hóa chất phù hợp. Thực tế hiện nay còn nhiều cơ sở hóa chất có người chịu trách nhiệm về hóa chất không đủ quyền hạn để xử lý, xử phạt, yêu cầu sửa đổi, thậm chí dừng sản xuất khi phát hiện vi phạm".
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết: “Đề xuất yêu cầu bổ sung một Khoản mới vào Điều 3: Hành vi bị nghiêm cấm là lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giáo dục thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán, kinh doanh, cung cấp hóa chất nguy hiểm, trái pháp luật, đồng thời nên có quy định trao trách nhiệm cho Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp Bộ Công thương, Bộ Công an trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng".
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho biết: “Tại Điều 3 Dự thảo Luật quy định có 6 hành vi bị nghiêm cấm khá bao quát tuy nhiên tôi đề nghị bổ sung một hành vi cấm nữa là sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống cây trồng không theo đúng quy trình bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường. Vấn đề này hiện đang diễn ra rất nhiều trên các loại trái cây, rau, củ, quả gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng".
Luật Hóa chất mặc dù đã có những quy định về việc mua bán hóa chất nguy hiểm như xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua và sử dụng loại hóa chất nguy hiểm này.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết: "Trong Nghị định 113 cũng không có quy định xyanua là hóa chất cấm, mà chỉ quy định điều kiện quản lý. Đồng thời, trong quy định hiện hành không có quy định người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán nên đề nghị bổ sung đề nghị doanh nghiệp muốn sản xuất, nhập khẩu xyanua thì phải đăng ký cụ thể mục đích sử dụng, số lượng, cam kết các biện pháp quản lý rủi ro".
Các đại biểu cũng đề nghị, cần thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm theo dõi toàn bộ quá trình nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng hóa chất và yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá rủi ro chi tiết đối với tất cả các loại hóa chất mới trước khi đưa vào sử dụng.