Quỹ đầu tư đi vào sâu lắng

Quy mô thị trường quản lý quỹ còn khiêm tốn, nhưng tốc độ tăng trưởng cao về quy mô tài sản quản lý và số lượng quỹ đầu tư chứng khoán thành lập mới cho thấy, ngành này dần đi vào sâu lắng trong cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán.

Tổng tài sản các quỹ đầu tư đang quản lý liên tục có xu hướng tăng, hiện đạt khoảng 700.000 tỷ đồng

Tổng tài sản các quỹ đầu tư đang quản lý liên tục có xu hướng tăng, hiện đạt khoảng 700.000 tỷ đồng

Ngành quỹ còn nhiều dư địa phát triển...

Năm 2003, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) ra đời, đánh dấu sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp trong nước đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tới nay, có 110 quỹ đầu tư nội đang hoạt động, gấp đôi so với cuối năm 2020, trong đó khoảng 30 quỹ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu suất đầu tư cao.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, quy mô thị trường quỹ Việt Nam vẫn còn nhỏ, tổng tài sản các quỹ đang quản lý khoảng 700.000 tỷ đồng. So sánh với thị trường Thái Lan, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán gấp 1,5 - 2 lần Việt Nam, nhưng quy mô ngành quỹ lại gấp hàng chục lần.

Thực tế, số lượng nhà đầu tư tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ tại Việt Nam gần đây tăng nhanh, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với tổng số lượng tài khoản chứng khoán. Trong 8 triệu tài khoản chứng khoán (số lượng nhà đầu tư có thể thấp hơn, vì có những nhà đầu tư mở nhiều hơn 1 tài khoản), chỉ có hơn 300.000 tài khoản tham gia đầu tư qua quỹ.

Xu hướng trên thế giới là người dân quan tâm đầu tư qua quỹ hơn là trực tiếp đầu tư, bởi rủi ro thấp hơn và lợi nhuận thường cao hơn mức bình quân toàn thị trường. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, VN-Index tăng 10%, nhưng nhiều quỹ đạt hiệu suất 12 - 15%, thậm chí gấp đôi chỉ số chung.

Vì thế, ông Lực cho rằng, ngành quỹ Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.

Không chỉ thu hút nhà đầu tư trong nước, nhiều công ty quản lý quỹ đã tích cực thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, từng bước tạo ra một kênh dẫn vốn gián tiếp vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup cho hay, trong nhóm các quỹ đầu tư chủ động trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư nước ngoài được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ được cấp phép tại Việt Nam tăng trưởng tốt trong những năm gần đây. Tổng giá trị tài sản được quản lý cuối năm 2023 là 592.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2022, nhưng tỷ lệ phân bổ vào cổ phiếu còn thấp: tỷ trọng phân bổ vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp là 71%, cổ phiếu là 17%, tiền mặt và các tài sản khác chiếm 12%. Các quỹ đầu tư nước ngoài ưa thích nhóm ngành khai thác được tiềm năng thị trường nội địa như tiêu dùng, bảo hiểm, bán lẻ, chứng khoán, thực phẩm và đồ uống.

Riêng các quỹ trong nước, hiện có 110 quỹ, gồm 58 quỹ mở, 15 quỹ ETF, 37 quỹ thành viên và quỹ đóng, nhưng quy mô nhỏ, tổng giá trị tài sản ròng tính đến cuối tháng 6/2024 chỉ đạt 74.000 tỷ đồng, trong đó phân bổ 78,5% vào cổ phiếu, 16,2% vào trái phiếu.

Chủ tịch FiinGroup cho rằng, ngành quỹ còn nhiều dư địa, nhưng cần có cơ chế khuyến khích để phát triển trong giai đoạn tới.

Ông Hồ Nhật Quang, Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) nhận định, ngành quản lý quỹ còn nhiều tiềm năng để phát triển nhờ vào tổng tài sản quản lý hiện vẫn khiêm tốn so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia. Ngoài ra, số lượng tài khoản nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng chỉ quỹ thấp hơn nhiều so với tài khoản giao dịch chứng khoán cũng như dân số Việt Nam, nên ngành chứng khoán nói chung và ngành quản lý quỹ nói riêng còn nhiều dư địa để bắt kịp với mặt bằng chung trong khu vực.

Theo ông Quang, trước đây, các quỹ chủ yếu tiếp cận đối tượng nhà đầu tư có tài sản lớn, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhưng hiện tại, nhờ sự phát triển của công nghệ tài chính mà đối tượng nhà đầu tư đã mở rộng, hướng đến các bạn trẻ có nhu cầu đầu tư, có khối lượng tiền rảnh rỗi vừa phải, thời gian ít và có xu hướng thích trải nghiệm online. Nếu các quỹ bắt kịp được xu hướng này để mở rộng tập khách hàng thì tiềm năng trong tương lai là rất lớn.

Với TVAM, kể từ khi ra mắt quỹ đại chúng đầu tiên (TVGF1) với giá trị tài sản ròng 150 tỷ đồng vào năm 2018, đến nay Công ty đang quản lý 3 quỹ với giá trị tài sản ròng 600 tỷ đồng, quản lý các danh mục ủy thác với tổng tài sản hơn 10.000 tỷ đồng và đang nộp giấy phép thành lập thêm 1 quỹ mở và 1 quỹ ETF. Trong tương lai, TVAM phấn đấu hoàn thiện hệ sinh thái quỹ đầu tư để phục vụ nhu cầu đa dạng của các nhóm nhà đầu tư khác nhau.

… nhưng cần chính sách hỗ trợ và sự chung tay của các bên

Ngành quản lý quỹ ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, tiềm năng phía trước còn rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) đánh giá, ngành quản lý quỹ ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, tiềm năng phía trước còn rất lớn.

Theo bà Nga, để ngành quỹ tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế, góp phần giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định, cung cấp nguồn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, cũng như là công cụ quan trọng trong xây dựng thịnh vượng tài chính cho các cá nhân, cần sự chung tay của tất cả chủ thể tham gia chuỗi giá trị của ngành bao gồm Chính phủ, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, đặc biệt là nhận thức của công chúng đầu tư.

“Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ có chủ trương phát triển nhà đầu tư tổ chức, trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, chúng tôi mong có thể đặt ra các mục tiêu cụ thể hơn, đồng thời có các quy định cởi mở hơn để phát triển ngành quỹ. Bên cạnh đó, công ty quản lý quỹ cần có những chuyên gia chất lượng, am hiểu về quản lý quỹ, có tư duy đầu tư dài hạn và đầu tư vì lợi ích dài hạn của khách hàng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cá nhân cần nhận thức rõ hơn về quỹ đầu tư như là một công cụ để tích sản, với lợi nhuận cao so với gửi tiết kiệm”, bà Nga nói.

Ngoài ra, bà Nga cho rằng, cơ quan chức năng nên có các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (tài sản sẽ được phân bổ một phần vào thị trường chứng khoán), thông qua việc khuyến khích các công ty tham gia quỹ này cho nhân viên; thống nhất văn bản về các ưu đãi thuế cũng như tăng mức ưu đãi thuế đối với các khoản đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Quan trọng hơn hết là sự chung tay, phối hợp giữa cơ quan quản lý và các thành viên thị trường gồm công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, công ty niêm yết. Với nỗ lực của tất cả các bên, sản phẩm ngày càng đa dạng, người dân ngày càng hiểu biết về sản phẩm đầu tư, nhu cầu đầu tư của cá nhân ngày càng lớn khi thu nhập ngày càng cao, cùng với sự phát triển của các quỹ hưu trí, quỹ thiện nguyện, quỹ nghề nghiệp…, ngành quỹ sẽ có tương lai tươi sáng hơn.

Tương tự như nhiều nước khác, quy mô ngành quỹ tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt 10% GDP. Với mục tiêu năm 2045 Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, quy mô GDP ước đạt 1.300 - 1.400 tỷ USD, quy mô ngành quỹ khi đó có thể đạt 130 - 140 tỷ USD, trở thành thành phần quan trọng tham gia vào thị trường chứng khoán.

Hải Vân - Phan Hằng / Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quy-dau-tu-di-vao-sau-lang-post350619.html
Zalo