Quỹ đất là 'bài toán' khó nhất trong triển khai Chương trình 1719 tại Hà Quảng
Chương trình 1719 góp phần giúp đời sống người dân Hà Quảng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đổi thay rõ nét. Tuy nhiên, một số dự án thành phần đang chậm tiến triển bởi địa phương khó giải quyết 'bài toán' quỹ đất.
Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) vừa chia sẻ với Báo VietNamNet nhiều thông tin đáng chú ý về thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) tại huyện miền núi còn nhiều khó khăn.

Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng. Ảnh: Thạch Thảo
Diện mạo của Hà Quảng đã có thay đổi thế nào kể từ khi triển khai Chương trình 1719, thưa ông?
Huyện Hà Quảng đã thụ hưởng cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Chương trình 1719 - PV); trong đó, Chương trình 1719 bắt đầu triển khai từ năm 2022.
Chúng tôi có cả nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nghị quyết của HĐND huyện, quyết định của UBND huyện triển khai thực hiện chương trình này.
Nhờ Chương trình 1719, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn Hà Quảng đổi thay rất rõ nét. Đặc biệt ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, người dân được thụ hưởng rất nhiều, từ đường giao thông nông thôn, điện, trường, tới các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần cải thiện đời sống.
Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm của huyện Hà Quảng trước kia chỉ dưới 5%, từ khi có Chương trình 1719 đạt bình quân 5-7%, và chúng tôi đang phấn đấu để sắp tới đạt 7-8%.
Với một huyện miền núi như Hà Quảng, quá trình triển khai Chương trình 1719 có những khó khăn như thế nào?
Trong quá trình triển khai 1719 nói riêng và các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, lúc đầu chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn. Chẳng hạn, các văn bản hướng dẫn của Trung ương tương đối nhiều. Có nội dung bộ ngành ban hành thông tư hướng dẫn, sau đó cấp tỉnh cũng lại có thêm hướng dẫn riêng.
Đến cuối năm 2023, các văn bản hướng dẫn từ trung ương đến địa phương đã được hệ thống hóa đầy đủ, cơ bản thống nhất, chúng tôi cứ thế bám theo hướng dẫn để triển khai trong thực tế.
Là địa bàn “phên giậu” của Tổ quốc, nhưng điều kiện phát triển, xuất phát điểm của Hà Quảng thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh miền xuôi. Địa hình toàn là vùng cao, cơ bản là núi đá. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước.
Chúng tôi rất mong Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm nguồn vốn 1719 từ trung ương cho địa phương, đặc biệt là các xã biên giới, để chúng tôi có thêm nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho bà con cải thiện sinh kế.
Trong 10 dự án thành phần của Chương trình 1719, đâu là những dự án khó triển khai nhất đối với Hà Quảng?
Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai dự án 1 - giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và dự án 2 - quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.
Hà Quảng gần như không có quỹ đất chung để phục vụ đất ở và đất sản xuất cho 2 dự án này. Với những hộ thiếu đất sản xuất, chúng tôi không thể bố trí được.
Là người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai Chương trình 1719 tại địa phương, ông có đề xuất gì để thời gian tới có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ?
Chương trình 1719 sắp kết thúc giai đoạn 1 (2021-2025), chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 2 (2026-2030).
Cá nhân tôi cho rằng phạm vi, nội dung chương trình như hiện nay hơi rộng quá.
Đảng, Nhà nước có thể cân nhắc thu hẹp lại, chỉ tập trung vào một số nội dung thiết yếu của đồng bào dân tộc thiểu số như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) và hỗ trợ phát triển sản xuất. Đấy là những điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay.