Bỏ hẳn xét tuyển sớm đại học từ năm 2025
Thay vì khống chế 20% chỉ tiêu như dự thảo trước đó, từ năm 2025, Bộ GD&ĐT quyết định bỏ hẳn xét tuyển sớm; tất cả các phương thức sẽ được xét chung trong một đợt. Đây là thông tin mới được Bộ GD&ĐT cung cấp đến phụ huynh và học sinh.

Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Quy chế tuyển sinh đại học chính thức sẽ được công bố trong tháng 2/2025. So với dự thảo trước đó, quy chế chính thức có nhiều điều chỉnh để bảo đảm tính phù hợp, công bằng và tăng chất lượng đầu vào.
Cụ thể, có 7 điểm mới trong quy chế tuyển sinh. Trong đó, ngoài việc bỏ hẳn xét tuyển sớm, chỉ xét tuyển thẳng theo quy chế, Bộ yêu cầu nếu dùng kết quả học tập THPT để xét tuyển thì phải sử dụng cả kết quả của năm học lớp 12.
Các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển. Các trường có thể quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ (theo danh mục của quy chế thi tốt nghiệp THPT) thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển.
Bên cạnh đó, điểm cộng ưu tiên không vượt quá 10% mức điểm tối đa, đồng thời tổng điểm xét của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa 30/30.
Quy chế mới bỏ yêu cầu về việc mỗi ngành, chương trình đào tạo chỉ tối đa có 4 tổ hợp xét tuyển. Quy định các môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển chiếm tối thiểu 50% trọng số điểm xét tuyển, sẽ áp dụng từ năm 2026.
Ngoài ra, quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành sư phạm và sức khỏe giữ nguyên như quy chế hiện hành.
Thời điểm hiện tại, khoảng 70 đại học đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025. Cơ bản, các nhà trường giữ việc xét tuyển bằng nhiều phương thức nhưng chưa công bố thời gian, chỉ tiêu để đợi quy chế của Bộ.
Xét tuyển sớm là các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, thường là xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, xét chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) hoặc kết hợp giữa các yếu tố trên. Mùa tuyển sinh năm 2025, các trường vẫn có thể dùng các phương thức này, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT, trừ tuyển thẳng theo quy định của Bộ.
“Không phải vì xét tuyển sớm, thí sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất theo thứ tự ưu tiên. Vì vậy, những em có năng lực đều có cơ hội trúng tuyển và việc bỏ xét tuyển sớm không làm mất đi cơ hội của bất kỳ ai” - đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.