Quốc tế tiếp tục nỗ lực chấm dứt xung đột Gaza, hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước
Hôm 13/9, quan chức cấp cao của các nước châu Âu, Saudi Arabia và Hồi giáo đã nhóm họp tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, để bàn về cuộc xung đột ở Gaza và rộng hơn là cuộc xung đột giữa Israel và Palestine dai dẳng nhiều thập kỷ qua.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm qua đã chủ trì cuộc họp nhằm thúc đẩy việc chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza và vạch ra lộ trình rõ ràng để thực hiện giải pháp hai nhà nước trong vấn đề giữa Israel – Palestine. Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell, Ngoại trưởng và các quan chức cấp cao châu Âu, các nước Hồi giáo và Ả Rập tham dự cuộc họp này.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares nhấn mạnh: “Chúng ta cần cùng nhau ủng hộ những nỗ lực của Qatar, Ai Cập và Mỹ để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, cho phép con tin bị Hamas bắt trở về nhà và các viện trợ nhân đạo vào Gaza không bị cản trở. Cuộc chiến phải chấm dứt ngay bây giờ và không còn lý do gì để trì hoãn thỏa thuận và kéo dài sự đau khổ của hàng triệu thường dân vô tội nữa".
Nhà Ngoại giao Tây Ban Nha cũng khẳng định, giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để đảm bảo hòa bình công bằng và lâu dài trong khu vực thông qua sự chung sống hòa bình và an toàn giữa Nhà nước Palestine và Nhà nước Israel. Theo ông, một Nhà nước Palestine có chủ quyền, với biên giới được công nhận tiếp giáp với Israel, bao gồm cả Gaza và Bờ Tây, với thủ đô là Đông Jerusalem. Ngoại trưởng Tây Ban Nha bày tỏ mong muốn Liên Hợp Quốc đứng ra tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế cho Israel và Palestine với sự tham gia của nhiều bên.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty nhấn mạnh rằng sự hiện diện quân sự của Israel tại hành lang Philadelphi biên giới Gaza và Ai Cập chỉ nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của Israel, ngăn chặn chính quyền hợp pháp của Palestine giành lại quyền kiểm soát ở Gaza; đồng thời phá vỡ các nỗ lực hòa giải do Ai Cập, Qatar và Mỹ đang tiến hành. Nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập khẳng định, việc công nhận Palestine và trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ tại Liên hợp quốc là một trong những biện pháp thiết yếu, vừa đáp ứng quyền của người Palestine vừa là nghĩa vụ của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy - quốc gia công nhận nhà nước Palestine mới đây, cũng đề cao tầm quan trọng của vấn đề giải giáp lực lượng vũ trang Hamas – vốn kiểm soát Dải Gaza trước xung đột. Ngoại trưởng Na Uy hi vọng, Israel và Saudi Arabia – quốc gia đầu tàu thế giới Ả Rập và Hồi giáo sẽ sớm bình thường hóa quan hệ, góp phần thúc đẩy ổn định các mối quan hệ ở Trung Đông.
Cuộc họp của các nước châu Âu, Hồi giáo và Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza vẫn chưa ngừng lại. Hôm qua, Đức Giáo hoàng Francis cho biết ông không tin việc Israel và Hamas đang tìm cách chấm dứt xung đột. Và đây cũng là chủ đề thảo luận tại Nhà Trắng, giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày hôm qua.