Quốc tế nổi bật: Kênh đào Panama vào tầm ngắm

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở bang Arizona, ông Trump cũng cho biết ông sẽ không để kênh đào rơi vào 'tay người khác'.

Ông Trump dọa sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump

Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ giành lại quyền kiểm soát của Mỹ đối với kênh đào Panama, cáo buộc Panama tính phí quá cao để sử dụng tuyến đường biển qua Trung Mỹ nối giữa Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở bang Arizona, ông Trump cũng cho biết ông sẽ không để kênh đào rơi vào "tay người khác". "Nó đã được trao cho Panama và người dân Panama, nhưng nó có các điều khoản" - Trump nói về kênh đào, vốn từng thuộc sở hữu của Hoa Kỳ nhưng đã được trao lại cho Panama cách đây nhiều thập kỷ.

Triều Tiên giải thể tất cả cơ quan phụ trách quan hệ liên Triều

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Yonhap đưa tin, ngày 24/12, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc tiết lộ thông tin Triều Tiên được cho là đã giải thể toàn bộ khoảng 10 tổ chức chính thức phụ trách các vấn đề liên Triều, sau lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc luật hóa Hàn Quốc là kẻ thù chính vào năm ngoái. Quan chức trên đưa ra đánh giá khi Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố các ấn bản mới nhất trong bộ danh mục thường niên về các cán bộ chủ chốt trong chính phủ và đảng của Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phủ quyết dự luật bổ nhiệm thêm chánh án

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa phủ quyết dự luật lưỡng đảng về việc bổ nhiệm thêm 66 chánh án cho tòa án liên bang trên khắp cả nước.

Động thái trên của "ông chủ" thứ 46 của Nhà Trắng được đưa ra giữa lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn bổ nhiệm thêm hàng chục chánh án liên bang khi ông nhậm chức.

Lâu nay, các tòa án liên bang trên khắp nước Mỹ đã đề nghị bổ nhiệm thêm chánh án để giải quyết số lượng vụ án ngày càng nhiều. Mới đây, hơn 300 chánh án đã ký đơn đề nghị Nhà Trắng phê chuẩn dự luật này sau khi Thượng viện thông qua hồi tháng 8. Hạ viện đã thông qua dự luật này hôm 12/12, tức sau cuộc tổng tuyển cử hồi đầu tháng 11 trong đó xác định ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Bắc Cực có thể đóng vai trò trong giải quyết xung đột Nga-Ukraine

Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Chukotka của Nga, dự kiến sẽ được sử dụng trên Tuyến đường biển phía Bắc.

Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Chukotka của Nga, dự kiến sẽ được sử dụng trên Tuyến đường biển phía Bắc.

Chuyên gia cho rằng ông Trump có cơ hội phá vỡ hiện trạng và thu hút Nga chấm dứt xung đột với Ukraine bằng cách đưa vấn đề Bắc Cực vào bàn đàm phán.

Một chuyên gia Mỹ nhận định, việc đề xuất dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tuyến đường biển phía Bắc của Nga (NSR) và mời các hãng vận tải phương Tây tham gia phát triển dự án ở Bắc Cực có thể là "chìa khóa" để Tổng thống đắc cử Donald Trump thành công trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Syria

 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định quan điểm của nước này là bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria trong mọi hoàn cảnh, đồng thời cho biết sẵn sàng hỗ trợ người dân Syria.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp Nội các ở Ankara, ông Erdogan nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang liên lạc chặt chẽ và trao đổi về quan điểm cũng như lập trường nói trên với ông Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu lực lượng đang nắm quyền ở Syria.

Nga công bố 9 quốc gia trở thành đối tác BRICS trong năm 2025

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao Nhóm BRICS ở Kazan, Nga, ngày 23/10/2024.

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao Nhóm BRICS ở Kazan, Nga, ngày 23/10/2024.

Trợ lý Tổng thống Nga về các vấn đề quốc tế Yury Ushakov vừa thông báo Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Thái Lan, Cuba, Uganda, Malaysia và Uzbekistan sẽ chính thức trở thành đối tác của BRICS từ ngày 1/1/2025.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS được tổ chức tại thành phố Kazan, Nga vào tháng 10/2024 đã thu hút 41 phái đoàn từ hơn 30 quốc gia, cùng với sự tham dự của 6 nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế.

BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và đã được mở rộng vào đầu năm nay sau khi kết nạp Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Israel lần đầu thừa nhận ám sát thủ lĩnh Hamas ở Iran

Lãnh đạo chính trị Phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh.

Lãnh đạo chính trị Phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz vừa thừa nhận Lực lượng phòng vệ nước này (IDF) đã ám sát cựu thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran hồi tháng 7; đồng thời cảnh báo rằng Quân đội Israel cũng sẽ tiêu diệt các nhà lãnh đạo của phiến quân Houthi ở Yemen.

Những phát biểu của ông Katz, tại một sự kiện của Bộ Quốc phòng, đánh dấu lần thừa nhận công khai đầu tiên rằng Israel đứng sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas vào cuối tháng 7 tại thủ đô Iran. Tel Aviv và Hamas trước đó đều cáo buộc Israel đứng sau sự việc và tuyên bố sẽ trả thù. Tuy nhiên, Tel Aviv khi đó không xác nhận hay phủ nhận thông tin.

Xuân An

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/quoc-te-noi-bat--kenh-dao-panama-vao-tam-ngam-131580.htm
Zalo