Quốc tế mong gì ở quá trình chuyển tiếp Syria

Cộng đồng quốc tế vẫn đang theo sát mọi diễn biến chính trị ở Syria. Những chuyến thăm và cuộc họp về tình hình Syria được nhiều bên lên kế hoạch, với kỳ vọng về một quá trình chuyển tiếp hòa bình diễn ra suôn sẻ tại quốc gia Arab này.

Ngày 12/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên đường tới Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, với chương trình nghị sự tập trung vào tình hình Dải Gaza và Syria.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến công du Trung Đông lần này, Ngoại trưởng Blinken sẽ nhắc lại sự ủng hộ của nước này với quá trình chuyển đổi toàn diện tại Syria. Qua đó, chính phủ mới của Syria phải tôn trọng quyền của các nhóm thiểu số, tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo và ngăn đất nước trở thành nơi dung dưỡng khủng bố, cực đoan. Nếu đáp ứng được điều đó, Mỹ sẵn sàng công nhận và hỗ trợ đầy đủ cho chính phủ Syria đó.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Reuters)

Với chuyến công du, ông Blinken là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới khu vực kể từ khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad sụp đổ. Tuy nhiên, một số quan chức quân đội và ngoại giao Mỹ đã tới Syria và các quốc gia láng giềng từ nhiều ngày trước, cho thấy Syria đang là sự quan tâm lớn của Mỹ.

Ngoài Mỹ, châu Âu cũng đặc biệt quan tâm đến tình hình. Trong ngày 12/12, Ngoại trưởng các nước EU cũng tập trung tại Đức để bàn luận về tình hình Syria và sự hỗ trợ dành cho Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Đức, với những diễn biến đầy kịch tính ở Syria vài ngày qua, Ngoại trưởng EU sẽ thảo luận về vấn đề này khi xác định nó sẽ ảnh hưởng tới khu vực và cả châu Âu. Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi các quốc gia không gây nguy hại cho quá trình chuyển tiếp hòa bình tại Syria.

“Điều quan trọng hiện nay là phải tăng cường thêm các kênh liên lạc với Syria. Đó là lý do tại sao hôm nay, tôi đã bổ nhiệm một Đặc phái viên về Syria tại Bộ Ngoại giao. Tôi rất vui mừng khi Quốc vụ khanh Tobias Lindner sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ này. Ông ấy đã có mặt tại khu vực này vào cuối tuần và đã có rất nhiều cuộc đàm phán. Đức cũng sẽ cung cấp thêm 8 triệu euro viện trợ nhân đạo cho người dân Syria. Tôi muốn nói rõ rằng, nếu chúng ta muốn một Syria hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, thì những nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel với những tuyên bố lợi ích an ninh, không được gây nguy hiểm cho tiến trình chuyển tiếp”.

Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng kêu gọi đảm bảo quá trình chuyển tiếp hòa bình tại Syria. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua bày tỏ lạc quan khi cho rằng đang có những dấu hiệu hy vọng ở Syria. Liên Hợp Quốc hoàn toàn cam kết hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ và toàn diện tại quốc gia Arab này.

Liên quan đến những diễn biến ở Syria, thủ lĩnh nhóm nổi dậy chính Hayat Tahrir Al Shams, Abu Mohammed al-Golani vừa ra tuyên bố, bất kỳ tay súng nào tra tấn và sát hại người bị giam giữ sẽ phải chịu trách nhiệm và không được dung thứ. Tuyên bố này nhằm xoa dịu dư luận trong và ngoài nước khi xuất hiện nhiều đoạn video cho thấy các tay súng nổi dậy đánh đập và bắn súng vào những người giơ tay đầu hàng…

Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Syria, được các nhóm nổi dậy đề bạt, Mohammad al-Bashir bày tỏ mong muốn tạo ra sự thống nhất ở Syria, cung cấp được các dịch vụ cơ bản cho người dân và bắt đầu một công cuộc tái thiết được dự báo nhiều khó khăn. Ông cũng tuyên bố lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ, kêu gọi người dân quay trở lại công việc.

Đình Nam/VOV1 (biên dịch) Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quoc-te-mong-gi-o-qua-trinh-chuyen-tiep-syria-post1141462.vov
Zalo