Quốc Oai nỗ lực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp
Huyện Quốc Oai là địa phương có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, chính vì vậy huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn để góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.
Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ
Đến nay, huyện đã quy hoạch thành công 3 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích lên đến 104,8ha tại ba xã Cấn Hữu, Cộng Hòa và Tân Hòa. Những khu vực này đã được bố trí quỹ đất phù hợp cho chăn nuôi, hình thành các trang trại và gia trại chăn nuôi quy mô lớn, nằm ngoài khu dân cư, với số lượng nuôi từ 5.000 con gia cầm trở lên.
Đặc biệt, nuôi gà đẻ trứng đã mang lại thu nhập ổn định và cao cho các hộ chăn nuôi, hiện có khoảng 135 trang trại với sản lượng đạt 860.000 quả trứng mỗi ngày, chủ yếu cung cấp cho các thương lái và hợp tác ký kết với doanh nghiệp chế biến.
Thay vì tiếp tục duy trì tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, huyện đã khuyến khích việc hình thành các mô hình chăn nuôi quy mô lớn. Hiện tại, có 198 hộ đang nuôi gia cầm sinh sản và thịt với quy mô trên 1.000 con/lứa, tập trung chủ yếu tại các xã như Hòa Thạch, Cấn Hữu, Phú Cát, Phú Mãn và Sài Sơn.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Quốc Oai đã dành ra tổng diện tích 490ha cho các ao hồ chăn nuôi thủy sản chuyên canh. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy sản lúa cá, với diện tích chuyển đổi ngày càng tăng qua các năm. Người dân đã chủ động áp dụng các giống cá có chất lượng, năng suất cao như cá chép, cá trắm và cá rô phi đơn tính để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Quốc Oai đã xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, lấy tổ chức nông dân (Chi hội/HTX/Hội) tại các vùng chăn nuôi tập trung làm trọng tâm. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tham gia vào chuỗi từ chăn nuôi, trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong 9 tháng năm nay, huyện đã phát triển thêm các chuỗi liên kết thịt lợn, gà và sản phẩm từ gà, vịt (trứng) giữa các hộ chăn nuôi tại xã Cấn Hữu và HTX Nông sản thực phẩm Thành An, xã Cộng Hòa. Huyện cũng đã hỗ trợ hình thành 2 mô hình chuyên canh, bao gồm mô hình 10ha sen tại xã Cộng Hòa và mô hình trồng các loại cây dược liệu, cây măng, cây ớt và cây xoài keo xuất khẩu.
Hiện tại, trên địa bàn huyện đang triển khai 6 mô hình trồng trọt, như chuyển đổi chuyên canh nhãn chín muộn tại xã Đại Thành, phát triển mô hình bưởi tại các xã vùng bãi sông Đáy (Sài Sơn, Yên Sơn), mô hình rau an toàn tại Cộng Hòa và Nghĩa Hương, vùng sản xuất chè tập trung, mô hình lúa chất lượng cao áp dụng mạ khay cấy máy, và mô hình trồng hoa cây cảnh tại thị trấn Quốc Oai. Tổng diện tích đã chuyển đổi sang các mô hình sản xuất khoảng 820ha, với giá trị sản phẩm canh tác trên đất nông nghiệp tăng đáng kể từ 120 - 140 triệu đồng/ha lên 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.
Phát triển vùng cây ăn quả chất lượng cao
Xã Đại Thành, huyện Quốc Oai được quy hoạch vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả với diện tích hơn 160ha, chủ yếu là nhãn chín muộn. Đến năm 2024, toàn xã đã phát triển được hơn 100ha nhãn chín muộn cho thu hoạch.
Ông Lý Đình Quang, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành cho biết, gia đình ông trồng 8 sào nhãn, cho thu hoạch ổn định 18 - 20 năm nay. Những năm được mùa, gia đình thu được 5 - 7 tấn quả, với giá bán buôn 45.000 đồng/kg, tính ra cho thu nhập đạt 240 - 280 triệu đồng/năm, lợi nhuận gấp 4 lần cấy lúa và trồng cây rau màu khác.
Để bảo vệ diện tích trồng nhãn chín muộn 160ha theo đề án chuyển đổi đã được phê duyệt, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành đề xuất UBND huyện Quốc Oai quy hoạch vùng chuyên canh nhãn quy mô lớn và hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng (mương thoát nước, điện chiếu sáng, giao thông…) trong vùng chuyển đổi; mở các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăm sóc cho các hộ dân để nhãn ra hoa, đậu nhiều quả và các biện pháp ứng phó với diễn biến tiêu cực của thời tiết ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của nhãn…
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng nhãn chuyên canh quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời hỗ trợ đầu tư hệ thống bảo quản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp… nhằm bảo tồn, phát triển bền vững vùng trồng nhãn chín muộn này.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)