Quốc Oai khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, ổn định đời sống người dân
Cơn bão số 3 đi qua để lại những tàn phá nặng nề trên địa bàn huyện Quốc Oai. Để ổn định đời sống, sinh hoạt người dân, huyện Quốc Oai huy động toàn bộ lực lượng chức năng ra quân làm việc không ngừng nghỉ để khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống người dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai, bão số 3 đi qua đã để lại hậu quả nặng nề trên địa bàn huyện. Thống kê sơ bộ, tính đến 7h sáng 8/9, toàn huyện có 241 cây bị đổ, 50 cành gãy, 40m tường bao đổ, 210ha lúa đổ, 676ha lúa bị ngập, 20ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, 181ha diện tích nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng, 7 mái tôn bị lật, 8 cột điện đổ…
Để không ảnh hưởng tới giao thông đi lại, đời sống sinh hoạt của người dân, ngay trong đêm 7/8, huyện Quốc Oai đã huy động lực lượng chức năng ra quân làm việc xuyên đêm khắc phục hậu quả và ổn định đời sống người dân.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo UBND các xã, trị trấn chủ động tổ chức giải tỏa kịp thời cây đổ, gãy không để ùn tắc giao thông. Quân số huy động gồm lực lượng công an, quân đội, UBND các xã thị trấn tổ chức ứng trực Ban chỉ huy, lực lượng quân sự xã để khắc phục kịp thời các sự cố cây đổ gãy.
Huyện cũng duy trì chế độ trực 24/24h tại Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và lịch trực tăng cường ứng phó với cơn bão số 3 của UBND huyện; UBND các xã, thị trấn, các điếm canh đê cũng như các đơn vị liên quan, kịp thời xử lý các sự cố khi sảy ra. Kịp thời cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, sự cố để nắm bắt, chỉ đạo.
Trong sáng 8/9, lãnh đạo huyện Quốc Oai và các phòng, ban huyện đã kiểm tra thực tế, chỉ đạo huy động các lực lượng của huyện phối hợp với các lực lượng chức năng của TP và Cục đường bộ tập trung cắt dọn cây đổ để đảm bảo nhanh chóng thông xe, đảm bảo giao thông được thông suốt trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết, huyện đề ra nhiệm vụ cấp bách hiện nay đó là giải tỏa kịp thời cây xanh bị đổ, gãy không để ùn tắc giao thông. Rà soát cây xanh, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gẫy mất an toàn không để xảy ra trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn cho người, phương tiện, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Đồng thời, duy trì chế độ trực 24/24h ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, lịch trực tăng cường ứng phó với cơn bão số 3 của UBND huyện; UBND các xã, thị trấn, các điếm canh đê cũng như các đơn vị liên quan, kịp thời xử lý các sự cố khi sảy ra. Kịp thời cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, sự cố để nắm bắt, chỉ đạo.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của, các phòng, ban ngành, đơn vị và UBND các xã, thị trấn căn cứ nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 12/BCH ngày 05/9/2024 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị PCTT, chuẩn bị các phương án ứng phó trong mọi tình huống theo phương châm “Ba sẵn sàng”, “ Bốn tại chỗ”, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các phương án đã được phê duyệt.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, vận động người dân hạn chế tối đa đi ra ngoài đường, chỉ thực sự có việc cần thiết mới ra ngoài trong thời gian diễn ra mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình, nhà ở có nguy cơ ngập lụt, đổ sập, tốc mái, nhà hộ độc thân, neo đơn, người gia, người yếu thế…để di dời đến nơi an toàn; tăng cường kiểm tra, tuyên truyền vận động, người dân hạn chế tối đa ra ngoài đường, quay trở lại nhà cũ trong thời gian bão đổ bộ; thăm hỏi, động viên, chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Vận hành tối đa các trạm bơm tiêu để tiêu thoát nước cạn nước đệm cho các khu vực sản xuất nông nghiệp trước khi xảy ra mưa lớn. Bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ, ngập úng xảy ra đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi, giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn lưới điện, thông tin, chiếu sáng, nước sạch, vệ sinh môi trường, rò rỉ chất thải, hóa chất độc hại, phòng chống dịch bệnh, trật tự, an toàn xã hội….
Chuẩn bị, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống bão, lũ, mưa, úng ngập, sự cố thiên tai, đảm bảo đời sống Nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định thị trường.
Song song, hướng dẫn Nhân dân chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện, dụng cụ bảo vệ an toàn sản xuất; kịp thời di dời vật nuôi, cây trồng đến những khu vực an toàn; bám sát cơ sở hướng dẫn triển khai các quy trình bảo quản nông sản, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, trừ bệnh hại, vệ sinh đồng ruộng, chuồng trại chăn nuôi cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong và sau khi bão đi qua; chuẩn bị dự phòng cơ số cây, con giống để sẵn sàng gieo trồng ngay khi bão tan…để phục hồi ổn định sản xuất.