Quốc lộ 22 đoạn qua Hóc Môn và Củ Chi: Xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng
Quốc lộ (QL) 22 đoạn đi qua hai huyện Hóc Môn và Củ Chi liên tục xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian qua. Điều đáng nói, đa phần các vụ việc đều do 'hung thần xa lộ' container gây ra, khiến nhiều người khiếp vía. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên con đường này đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản.
Liên tiếp xảy ra tai nạn
khoảng 5 giờ ngày 13/7/2024, xe container BS: 50H-358.63 do một nam tài xế điều khiển lưu thông trên QL22, hướng từ TPHCM đi Tây Ninh. Khi đến ấp Đình (xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi), chiếc xe bất ngờ mất lái, tông đổ hàng loạt dải phân cách rồi lao sang làn xe máy; leo lên vỉa hè, đâm vỡ nhiều chậu cây xanh, biển hiệu và va trúng cột sắt chống đỡ mái hiên nhà dân bên đường mới dừng lại. Tại hiện trường, chiếc xe nằm chắn ngang đường gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông qua lại. Hơn 20m dải phân cách bằng bê-tông bị phá hủy, căn nhà bị chiếc xe đầu kéo lao vào hư hỏng nhẹ phía trước. Rất may tai nạn không gây thương vong về người, nhưng vụ va chạm liên hoàn khiến nhiều người hoảng sợ. Ngay sau đó, Trạm CSGT Tây Bắc (TPHCM) có mặt kịp thời để xử lý; đồng thời CSGT đưa tài xế xe container đi kiểm tra nồng độ cồn và ma túy.
Tương tự, sáng 04/6, tại giao lộ QL22 - Bà Triệu (xã Tân Xuân, H.Hóc Môn) hướng từ TPHCM đi Tây Ninh đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa 5 phương tiện, gồm một xe khách, 2 xe tải, một ôtô 5 chỗ và một xe container. Va chạm liên hoàn khiến các phương tiện hư hỏng nặng, trong đó chiếc ôtô 5 chỗ biến dạng phần đầu và đuôi xe, giao thông trên QL22 cửa ngõ Tây Bắc hướng đi Tây Ninh bị kẹt xe kéo dài. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng TPHCM nhanh chóng có mặt điều tiết giao thông và giải quyết vụ việc. Đến trưa cùng ngày, Đội CSGT An Sương (Phòng CSGT CA TPHCM) đã giải quyết xong hiện trường và trích xuất camera an ninh tại khu vực để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Tiếp đến, trưa 05/4, Đội CSGT An Sương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý hiện trường vụ tai nạn trên QL22, đoạn qua xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn. Vào sáng cùng ngày, xe container do người đàn ông khoảng 35 tuổi điều khiển lưu thông trên QL22, hướng từ ngã tư An Sương đi Củ Chi. Khi cách cầu An Hạ chừng 500m, xe container mất lái đã hất tung nhiều mét dải phân cách, lao qua làn đường xe 2 bánh, tông trúng 2 xe máy, cuốn 3 người vào gầm. Người dân gần đó phát hiện vội hô hoán đưa 3 người (2 phụ nữ, 1 người đàn ông) vào bệnh viện cấp cứu. Tại hiện trường, xe container chắn hết làn đường xe máy và một phần làn đường ôtô khiến giao thông ùn ứ kéo dài nhiều ki-lô-mét.
Cần sớm được nâng cấp, mở rộng
loạt dự án giao thông trọng điểm ở cửa ngõ, mang tính liên kết vùng "mắc kẹt" nhiều năm đang được TPHCM vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) để khơi thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP và các tỉnh lân cận.
Nhiều năm qua, tuyến QL22 đoạn qua Q12, TPHCM liên tục trong tình trạng ùn ứ giao thông khi lưu lượng phương tiện chở hàng hóa từ Bình Phước về TPHCM tăng cao. Nhiều hộ kinh doanh thực phẩm tại ngã tư QL22 - Nguyễn Ảnh Thủ (Q12) nhiều năm qua đã quen với tình trạng ùn ứ, giao thông hỗn loạn khi nhiều người đi xe máy leo vỉa hè, chạy ngược chiều để thoát kẹt. Mặt đường xuống cấp, khói bụi, ùn ứ thường xuyên khiến người dân ở đây rất khó chịu. Chưa kể nguy cơ tai nạn, đi lại khó khăn, buôn bán ế ẩm.
Là tuyến QL duy nhất nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) - cửa ngõ quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN, tuy nhiên tuyến QL22 mỗi bên chỉ có 2 làn ôtô và một làn xe máy. Những năm gần đây, vận chuyển hàng hóa từ khu vực TPHCM đi Tây Ninh tăng nhanh dẫn đến ùn tắc và gia tăng TNGT. Sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM áp dụng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với các công trình nâng cấp đường hiện hữu, HĐND TPHCM thông qua chủ trương mở rộng QL22 dài 9,1km theo hình thức này. Theo đó, QL22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 TPHCM) sẽ được mở rộng lên 60m đáp ứng 8 làn xe. Trên tuyến xây dựng một số cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ, nút giao Nguyễn Văn Bứa... Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.100 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 2.409 tỷ đồng. Ngân sách TPHCM sẽ tham gia dự án với tỉ lệ 50%, còn lại do nhà đầu tư thu xếp để thi công phần xây lắp. Công trình dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, hoàn thành sau 3 năm.
UBND TPHCM cho biết, cùng QL22, các tuyến cửa ngõ khác như QL13, QL1, QL50 cũng chưa được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch; trong khi lưu lượng phương tiện rất lớn nên luôn trong tình trạng quá tải, gây ùn ứ kéo dài, không đáp ứng được nhu cầu vận tải, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, UBND TPHCM vận dụng Nghị quyết 98, trình và được HĐND TPHCM thông qua danh mục các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT. Việc áp dụng hợp đồng BOT để nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ giúp TPHCM hóa giải bài toán về bố trí vốn khi có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân.
Một chuyên gia đánh giá, nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng giao thông của TPHCM là rất lớn. Việc áp dụng loại hợp đồng BOT để triển khai các dự án, thu hút nhà đầu tư mở ra cơ hội cho TP hoàn thiện hạ tầng, bởi ngân sách TP không thể đủ để thực hiện tất cả dự án lớn. Việc thu hút các thành phần kinh tế tư nhân tham gia sẽ tạo sức mạnh đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, tính khả thi, TPHCM cần có các tiêu chí rõ ràng trong đánh giá tiềm lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.
TPHCM đang khai thác mạng lưới đường bộ với tổng chiều dài gần 5.000km bao gồm 5 tuyến QL, 10 tuyến đường tỉnh, 457 tuyến đường huyện, 3.180 tuyến đường xã, 1.286 tuyến đường đô thị, 308 tuyến đường chuyên dùng, 733 tuyến đường nông thôn. TP có 1.088 cầu đường bộ với tổng chiều dài 76km, được thiết kế với nhiều tải trọng khác nhau. Ngoài ra, trên hệ thống đường có 56 nút giao thông khác mức (cầu vượt) chủ yếu trên các trục đường chính có mật độ giao thông lớn như QL1, QL22, trục đường Cộng Hòa, đường Ba Tháng Hai, đường Nguyễn Văn Linh, đường Võ Chí Công... Về phương tiện đường bộ, TPHCM quản lý gần 9 triệu phương tiện, trong đó gần 1 triệu ôtô và khoảng 8 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai.