Quốc hội xem xét nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được Quốc hội cho ý kiến vào sáng nay 15/5.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, Quốc hội dự kiến ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đọc Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đọc Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật kỳ này.

Cụ thể, Nghị quyết thể chế hóa theo 05 nhóm chính sách lớn gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, Dự thảo Nghị quyết nêu rõ: “Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) bao gồm cả kiểm tra liên ngành, đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng".

Dự thảo nghị quyết cũng khẳng định thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm.

Ưu tiên biện pháp hành chính hơn biện pháp hình sự

Về nguyên tắc xử lý các vi phạm, Dự thảo Nghị quyết tái khẳng định chủ trương Nghị quyết 68 của Bộ chính trị:

Thứ nhất, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Thứ hai, đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.

Thứ ba, không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Với nhóm giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW cần được thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ giao các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật này khẩn trương rà soát, nghiên cứu, thể chế hóa ngay tại các dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Với nhóm vấn đề mang tính định hướng, chưa cấp bách, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua ở những kỳ họp tiếp theo; đồng thời, quy định một số nguyên tắc tại dự thảo Nghị quyết làm định hướng để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật sắp tới.

Có văn bản hướng dẫn áp dụng ngay sau khi Nghị quyết được ban hành

Thẩm định nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi tán thành quy định về các cơ chế, chính sách được áp dụng chung đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Đối với một số cơ chế, chính sách cần có quy định cụ thể hơn về điều kiện đối với đối tượng áp dụng, Nghị quyết quy định ngay tại các điều, khoản có liên quan hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đọc Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đọc Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh; sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng nội dung này sau khi Nghị quyết được ban hành.

Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất.

Về hỗ trợ tài chính, tín dụng, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, bảo đảm quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết và Nghị quyết số 68-NQ/TW, bảo đảm cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại thực hiện nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Do thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày được Quốc hội thông qua, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán Nghị quyết số 68-NQ/TW; bảo đảm chất lượng, khả thi, không dẫn đến cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách; bảo đảm tinh thần đổi mới, cải cách, đột phá, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; quan tâm công tác hướng dẫn áp dụng và tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả.

Hoàng Hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/quoc-hoi-xem-xet-nghi-quyet-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-329743.htm
Zalo