Quốc hội Venezuela yêu cầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tây Ban Nha
Chủ tịch Quốc hội Venezuela đã yêu cầu Chính phủ nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và lãnh sự với Tây Ban Nha, sau khi Quốc hội Tây Ban Nha công nhận nhân vật đối lập Edmundo González là Tổng thống đắc cử của quốc gia Nam Mỹ.
Tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodríguez được đưa ra vài giờ sau khi Quốc hội Tây Ban Nha thông qua nghị quyết yêu cầu Chính phủ nước này công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập lưu vong của Venezuela, Edmundo González, là người chiến thắng hợp pháp trong cuộc bầu cử tổng thống, bất chấp sự phản đối của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez.
Ông Rodriguez đề xuất dừng các chuyến bay giữa hai nước và ngay lập tức hủy mọi hoạt động thương mại với các công ty của quốc gia châu Âu này. Ông cho rằng việc Quốc hội Tây Ban Nha thông qua nghị quyết đi ngược lại phán quyết của Hội đồng bầu cử nước này, phớt lờ chiến thắng của Tổng thống Venezuela Nicolas Madur là "hành vi can thiệp thô bạo”.
“Chúng tôi, với sự tôn trọng của mình, không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào; do đó, hành động đáng lên án này là không thể chấp nhận được và ngay lập tức tạo ra bầu không khí chống Venezuela, điều này là không thể chấp nhận được”, người đứng đầu Quốc hội Venezuela đã chỉ trích.
Ông Rodriguez cùng với các chính quyền địa phương khác đã lên án lập trường của các nhà lập pháp Tây Ban Nha, đồng thời thúc đẩy Phó chủ tịch thứ nhất của Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela, Diosdado Cabello, tái khẳng định rằng Venezuela "đã không còn là thuộc địa của Tây Ban Nha từ hơn 300 năm trước".
Ngày 11.9, Quốc hội Tây Ban Nha thông qua nghị quyết nhờ phiếu bầu từ các nhà lập pháp đối lập, bao gồm Đảng Nhân dân bảo thủ (PP) cực hữu. Tuy nhiên, việc công nhận của các nghị sỹ Tây Ban Nha chỉ mang tính biểu tượng và không có tính ràng buộc đối với Thủ tướng Pedro Sánchez. Trước đó, ông Sánchez đã nói rõ rằng nước này không công nhân vật đối lập Edmundo González làm Tổng thống Venezuela; đồng thời cho biết Chính phủ Tây Ban Nha sẽ làm việc với Brussels để tìm ra giải pháp vào cuối năm.
Nhân vật đối lập Edmundo González đã đến Madrid để xin tị nạn hôm 8.9 như một phần của thỏa thuận đã đàm phán với chính phủ Venezuela sau một tháng lẩn trốn sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 28.7.
Trong chuyến thăm Trung Quốc tuần này, ông Sánchez cho biết Madrid sẽ giữ nguyên lập trường hiện tại, đó là yêu cầu công bố hồ sơ bầu cử chi tiết khi có sự hiện diện của một bên trung gian EU. Ông nói thêm rằng cho đến khi tìm được người chiến thắng, Tây Ban Nha sẽ không công nhận Maduro hay González là người chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Về việc ông González xin tị nạn tại Tây Ban Nha, Sánchez cho biết, "quyền tị nạn chỉ là một cử chỉ nhân đạo, thể hiện cam kết nhân đạo của xã hội và chính phủ Tây Ban Nha".
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela hồi tháng 7, Hội đồng bầu cử quốc gia tuyên bố Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, 61 tuổi, đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2025-2031, với 51,2% số phiếu ủng hộ.
Trong khi đó, ứng cử viên đối lập Edmundo González Urrutia, đại diện cho Hội nghị bàn tròn thống nhất dân chủ (MUD), một liên minh tập hợp những người theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội Thiên chúa giáo, xã hội và bảo thủ, giành được 44,2% số phiếu bầu.
Tuy nhiên, phe đối lập Venezuela và những lực lượng cánh hữu tại Mỹ Latin cũng như một số nước phương Tây không không công nhận kết quả bầu cử, dẫn đến căng thẳng ngoại giao của Venezuela với nhiều nước.
Trong những năm gần đây, chính phủ của ông Nicolas Maduro đã đạt được những thành tích nổi bật trong việc phục hồi kinh tế, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội và ổn định chính trị.