Quốc hội và những quyết sách lịch sử trước kỷ nguyên mới
Năm 2024, hoạt động của Quốc hội ghi nhiều dấu ấn nổi bật với sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước… Trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhiều quyết sách quan trọng, đột phá từ nghị trường đã tạo tiền đề về mọi mặt, chuẩn bị đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đổi mới tư duy lập pháp, khơi thông nguồn lực cho phát triển
Điểm lại những kết quả nổi bật trong hoạt động của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tập trung thảo luận, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật, tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” về thể chế cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2024, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ đều đạt, vượt mục tiêu và kế hoạch đề ra. Quốc hội đã hoàn thành 26 nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng tổng số nhiệm vụ hoàn thành lên 140/156 nhiệm vụ, đạt 89,7%.
Đặc biệt, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua cũng như các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đã đánh dấu sự đổi mới sâu sắc và mạnh mẽ về tư duy lập pháp. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã bám sát và hiện thực hóa tinh thần: Chuyển đổi mạnh tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc, đúng tầm, ngắn gọn, súc tích, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các quy định của nghị định, thông tư; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách… là ví dụ điển hình cho việc xây dựng luật theo hướng chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin - cho”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể… - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Cùng với đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp đối với 7 luật, 4 nghị quyết quan trọng với nhiều chính sách mới được đánh giá là đột phá, nhằm kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng. Với tầm nhìn dài hạn, Quốc hội đã khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới như quản lý và sử dụng dữ liệu, phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển điện hạt nhân và điện gió ngoài khơi... tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2024, dấu ấn hoạt động của Quốc hội còn là những quyết sách mang tính lịch sử như: Thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Đây là hành lang pháp lý quan trọng nhằm tạo đột phá về hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới của đất nước. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, được cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Quốc hội gương mẫu, đi đầu trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024 đã xác định 3 nhiệm vụ lớn trong thời gian tới gồm: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; tăng tốc, bứt phá để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội XIV, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu Quốc hội cần tiếp tục tập trung cải tiến, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó, trong công tác lập pháp, Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.
Với tinh thần chung sức, đồng lòng thực hiện thành công cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, năm 2025, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội quán triệt nghiêm yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, họp bàn phân công cụ thể. Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sẽ thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Đồng thời, sắp xếp, kiện toàn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan thuộc UBTVQH đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Việc sắp xếp tinh gọn các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, các vụ, đơn vị, tổ chức trực thuộc Văn phòng Quốc hội sẽ hoàn thành trước ngày 15/3/2025” - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết.
Cùng với đó, một nhiệm vụ cấp bách đặt ra là các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội cần nghiên cứu, rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội nói riêng và của cả hệ thống chính trị nói chung để chủ động đề xuất trình Quốc hội, UBTVQH sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất khi được Trung ương thống nhất thông qua. Dự kiến, ngay trong tháng 02/2025, Quốc hội sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để xem xét sửa đổi các luật liên quan, phục vụ triển khai chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy.
Với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng những đổi mới, quyết sách mạnh mẽ từ nghị trường sẽ góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của dân tộc./.