Quốc hội trong tuần: Việt Nam tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế

Chủ tịch Quốc hội hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Thượng viện Mexico; Chủ tịch Quốc hội tiếp Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới; Chủ tịch Quốc hội tiếp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản ... là các hoạt động Quốc hội đáng chú ý trong tuần qua 17-23/7/2022.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HỘI ĐÀM TRỰC TUYẾN VỚI CHỦ TỊCH THƯỢNG VIỆN MEXICO

Tối 18/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm trực tuyến với bà Olga Sanchez Corder, Chủ tịch Thượng viện Liên bang Mexico.

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Mexico cả trên bình diện song phương và đa phương. Quốc hội Việt Nam mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao hai nước. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam ủng hộ việc Chính phủ hai nước ký kết các văn kiện hợp tác; sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mexico đầu tư, kinh doanh ổn định lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam.

Bà Olga Sanchez Cordero, Chủ tịch Thượng viện Liên bang Mexico cảm ơn những lời nói tốt đẹp cũng như tình cảm mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho Mexico; tin tưởng kết quả cuộc hội đàm này là cơ hội tốt để hai bên thống nhất những định hướng hợp tác trong thời gian tới giữa Nghị viện Mexico và Quốc hội Việt Nam.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TIẾP TỔNG GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

Chiều 19/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có buổi tiếp ông Axel van Trotsenburg, Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) nhân chuyến công tác tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam là một trong những nước hoàn thành sớm các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó WB là đối tác quan trọng giúp Việt Nam cả về kỹ thuật và tài chính thực hiện các mục tiêu này. Hiện Việt Nam đang triển khai quyết liệt thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030, cần có sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có WB.

Về khung khổ hợp tác giữa Việt Nam và WB trong thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội vẫn cần tập trung vào việc thực hiện 3 đột phá chiến lược của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh hệ thống pháp luật của Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và thích ứng, đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển, hội nhập quốc tế.

Ông Axel van Trotsenburg, Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng thế giới cho biết, WB và Việt Nam có quan hệ toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực chính sách và đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, WB mong muốn tiếp tục hợp tác với Quốc hội Việt Nam trong xây dựng các chính sách lớn về kinh tế, quản lý tài chính ngân sách và xã hội.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TIẾP CHỦ TỊCH HĐQT NGÂN HÀNG HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN

Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc tiếp Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) Tadashi Maeda nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những ý tưởng trong hợp tác giữa JBIC với Việt Nam, nhất là trong năng lượng và chuyển đổi năng lượng, cho biết sẵn sàng chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài nếu có vướng mắc, khó khăn. Thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường và hậu quả nặng nề của đại dịch tiếp tục là thách thức cho quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, đồng thời tác động tới việc thực hiện cam kết trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh đó, càng phải tăng cường quan hệ hợp tác không chỉ trong phạm vi từng quốc gia mà cần các giải pháp mang tính toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc hội Việt Nam ngoài nhiệm vụ lập pháp cũng là cơ quan quyết định vấn đề quan trọng quốc gia, trong đó quy hoạch và bố trí nguồn lực cho các lĩnh vực, mong muốn JBIC cũng như các đối tác hỗ trợ quá trình hoàn thiện chính sách, thể chế, trong đó có thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) Tadashi Maeda mới nhận nhiệm vụ vào cuối tháng 6, cho biết, sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản với tầm nhìn Đối tác chiến lược của hai nước, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là góp phần cùng Việt Nam hiện thực hóa xây dựng cộng đồng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TIẾP PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC LÀO

Trong tuần đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào. Tại nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounthong Chitmany và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Nhấn mạnh chuyến thăm đến Việt Nam lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào và chuyến thăm Lào của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, cũng như sự thành công của hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm ở thủ đô hai nước là những hoạt động rất quan trọng, ý nghĩa của Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022, thể hiện sống động mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ, Việt Nam luôn sẵn sàng và sẽ tiếp tục hỗ trợ Lào tối đa trong khả năng để khắc phục các khó khăn; đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục nỗ lực chung tay gìn giữ, không ngừng vun đắp và củng cố quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai nước tiếp tục phối hợp cùng thúc đẩy tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị năm 2022; duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh, gồm cả giữa các Ủy ban, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, Nhóm Đại biểu Quốc hội nữ, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh có chung biên giới hoặc kết nghĩa với các địa phương của Lào.

Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany bày tỏ nhất trí với các nội dung hợp tác đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; khẳng định Lào luôn coi trọng và sẵn sàng hợp tác nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với Việt Nam.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TIẾP PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÀO

Chiều 20/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Lào - Việt Nam Sounthone Xayachack dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Lào sang thăm làm việc tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, toàn diện trên các kênh Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Hai bên đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều sự kiện có ý nghĩa để kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, trong đó có các lễ kỷ niệm trọng thể ở thủ đô hai nước. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam và Lào đã chính thức triển khai thực hiện các nội dung của Thỏa thuận hợp tác ký tháng 5/2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, hai bên tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm hoạch định, ban hành chính sách pháp luật phục vụ phục hồi kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã luôn dành cho Lào sự giúp đỡ to lớn. Thời gian gần đây, Lào đang gặp một số khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội Việt Nam đã luôn sát cánh, đồng hành với Quốc hội Lào chia sẻ những kinh nghiệm quý để hỗ trợ Lào trong việc thực hiện các chức năng của của Quốc hội. Đồng thời, cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã trao tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào tòa nhà Quốc hội mới, một công trình kiến trúc nổi bật tại thủ đô Vientiane, biểu tượng sinh động cho mối quan hệ Việt Nam - Lào.

ƯU TIÊN CAO NHẤT CHO VIỆC TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TOÀN DIỆN VỚI QUỐC HỘI LÀO

Tại nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Lào - Việt Nam Sounthone Xayachack.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, hai bên tiếp tục ưu tiên thúc đẩy triển khai hiệu quả Thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị năm 2022; duy trì thường xuyên tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tổ chức thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước một cách thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật trong quản lý vĩ mô và phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hợp tác năng lượng, giáo dục đào tạo, y tế, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương, nhất là hợp tác giữa các đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các địa phương hai nước.

Thay mặt Đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachack cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, gần gũi thân thiết, thể hiện quan hệ sống động giữa Lào với Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Lào vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai bên đang phát triển tích cực và rất hiệu quả, thể hiện sự tin cậy, gắn bó lẫn nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào cũng bày tỏ cảm ơn sâu sắc trước những chia sẻ, giúp đỡ quý báu mà Việt Nam dành cho Lào trên mọi phương diện. Đồng thời cho biết, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Việt Nam để trong năm 2023 Quốc hội Lào có thể tổ chức thành công hội nghị giữa 3 Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam do 3 Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì lần đầu tiên tại Lào.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI TIẾP TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI LÀO

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có cuộc tiếp Tổng Thư ký Quốc hội Lào Pingkham Lasasimma có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

Hai Tổng Thư ký Quốc hội vui mừng vì ngay sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 5 vừa qua, hai Văn phòng Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các nội dung tại Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước và Thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội và Ban Thư ký Quốc hội Lào.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sẵn sàng chia sẻ với Ban Thư ký Quốc hội Lào những kinh nghiệm trong công tác tổ chức kỳ họp của Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như công tác tham mưu, phục vụ của Ban Thư ký, Văn phòng Quốc hội để tổ chức kỳ họp đạt hiệu quả cao nhất.

Tổng Thư ký Quốc hội Lào Pingkham Lasasimma cảm ơn Văn phòng Quốc hội Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ tích cực Ban Thư ký Quốc hội Lào trong công tác vận hành Nhà Quốc hội Lào; nhất trí hai cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tổ chức thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước và Văn phòng Quốc hội - Ban Thư ký Quốc hội hai nước đã ký kết.

THAM VẤN CHUYÊN GIA QUỐC TẾ VỀ CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VĨ MÔ

Diễn đàn Kinh tế thường niên của Quốc hội là sự kiện quan trọng. Trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế cần lựa chọn chủ đề cho điễn đàn, đẩy mạnh tham vấn chuyên gia quốc tế về các vấn đề kinh tế vĩ mô. Đây là một trong những yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại buổi làm việc sáng 20/7 với Thường trực Ủy ban Kinh tế về đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Ghi nhận kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, thời gian tới, nhiệm vụ công tác của Ủy ban Kinh tế là rất nặng nề, trong đó có chủ trì thẩm tra các luật khó và phức tạp như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng, chống rửa tiền. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, ưu tiên lớn nhất trong thời gian tới xây dựng lộ trình đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Chính phủ, đôn đốc các cơ quan liên quan sớm trình dự thảo luật theo các mốc thời gian Quốc hội đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, việc lựa chọn chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế cuối năm của Quốc hội, trong đó có thể cân nhắc lựa chọn vấn đề rủi ro lạm phát.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Lựa chọn đề tài như thế nào để phù hợp trong nước và quốc tế, xăng dầu chất vấn rồi, lao động không phải bản chất vấn đề, giải ngân đầu tư công chỉ mang tính chất kỹ thuật. Thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là gì? Tôi đề nghị vấn đề lạm phát là thách thức lớn. Sắp tới còn điều hành kinh tế vĩ mô, luật,… thì một diễn đàn kinh tế không thể giải quyết được mà đó là thách thức chung, đối mặt với cả thế giới.”

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Ủy ban Kinh tế tiếp tục đẩy mạnh tham vấn ý kiến chuyên gia quốc tế về các vấn đề kinh tế vĩ mô để đa dạng hóa nguồn thông tin đầu vào cho Quốc hội.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ KHAI MẠC KỲ HỌP HĐND TỈNH QUẢNG NAM

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đến tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được, đề nghị HĐND tỉnh cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung quan tâm thực hiện 6 nhiệm vụ chính gồm: Tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các công trình trọng điểm, triển khai kịp thời, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn trong thực hiện cải cách hành chính; Chủ động xây dựng kế hoạch và định hướng chương trình hoạt động của HĐND của cả nhiệm kỳ 2021 – 2026; Sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác quy hoạch đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031.

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM ĐỂ LÃNG PHÍ ĐẤT ĐAI KÉO DÀI

Trong tuần, Đoàn giám sát chuyên đề do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn tiếp tục làm việc với các tỉnh Đà Nẵng, Thanh Hóa, Ninh Bình và Bắc Giang về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021.

Tại buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng, các đại biểu thảo luận, làm rõ nhiều bất cập trong việc chậm triển khai các dự án, vấn đề lãng phí đất đai kéo dài của Đà Nẵng. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng thừa nhận lãng phí đất đai đang là vấn đề nhức nhối của địa phương. Luật Đất đai năm 2013 có quy định chủ đầu tư 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ triển khai dự án 24 tháng thì sẽ rơi vào đối tượng phải thu hồi. Tuy nhiên đặc thù của Đà Nẵng trước đây là giao đất, cho thuê đất không có dự án đầu tư, sau khi giao đất cho thuê đất thì chủ đầu tư mới triển khai thủ tục từ phê duyệt quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, dẫn đến không có cơ sở kiểm tra tiến độ sử dụng đất và thành phố chỉ triển khai kiểm tra từ 2016.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị TP Đà Nẵng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của tổ công tác, ý kiến thành viên Đoàn Giám sát và các cơ quan liên quan. Đoàn cũng nhận thấy còn nhiều vấn đề thành phố cần khắc phục như về chất lượng báo cáo, sự thống nhất về số liệu, cần làm rõ nguyên nhân của các khó khăn vướng mắc, chỉ rõ trách nhiệm cơ quan tổ chức chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật cụ thể, rõ ràng để cung cấp thông tin cho đoàn giám sát. Trong đó, tránh trùng lặp mâu thuẫn giữa đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, không rõ trách nhiệm của từng cấp. Những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi của thành phố cần chỉ đạo khắc phục ngay, không đợi khi có báo cáo và nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát.

NHIỀU DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ NHƯNG CHẬM PHÁT HIỆN, KHÓ THU HỒI

Làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Thanh Hóa trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có những vướng mắc, điểm nghẽn từ thể chế, chính sách pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Vì vậy đề nghị tỉnh đề xuất, kiến nghị cụ thể việc hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, giám sát không phải là việc “bới lông tìm vết” nhưng phải đi đến cùng sự việc, phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và quy rõ trách nhiệm, có giải pháp khắc phục. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chuyên đề giám sát này được Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội và cử tri rất quan tâm, đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bổ sung thông tin, số liệu, chuẩn hóa số liệu, cố gắng lượng hóa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối với những vấn đề đã rõ, đã chín thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh, tập trung chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, không đợi đến khi có ban hành kết luận, nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề này.

LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC ĐẾN TỪ CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH DỰ ÁN

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình, nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm rà soát cắt giảm các dự án chậm tiến độ, thiếu vốn là nguyên nhân dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, địa phương là nơi trực tiếp áp dụng thi hành luật và cũng là nơi kiểm điểm chính sách pháp luật. Đề nghị tỉnh Ninh Bình, ngoài việc chỉ ra những mô hình hay, cần lưu ý làm rõ nguyên nhân chủ quan, quy rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, người đứng đầu trong triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trưởng đoàn giám sát cũng chia sẻ với tỉnh trước những bất cập về cơ chế chính sách pháp luật, mâu thuẫn chồng chéo khó áp dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Hiểu thì ai cũng có thể hiểu tiết kiệm là gì, chống lãng phí là gì, nhưng mà để nó đi vào thực tế, để lượng hóa cho được định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn, cái "xương sống" của cơ chế chính sách thì lại chưa đủ, chưa đủ rõ và nhiều lĩnh vực còn bỏ trống. Ngoài lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc thì còn lãng phí cơ hội - là cái lớn hơn, rồi có đồng chí đại biểu Quốc hội còn nêu là lãng phí cả niềm tin.”

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Ninh Bình rà soát tất cả các vướng mắc có liên quan đến các luật và văn bản hương dẫn, từ đó, đề xuất việc hoàn thiện chính sách pháp luật một cách cụ thể, rõ ràng với đoàn giám sát.

61 CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH KHÔNG HOẠT ĐỘNG GÂY LÃNG PHÍ TẠI BẮC GIANG

Tại Bắc Giang, theo tổ công tác, đến nay, đang có 24 dự án chậm đầu tư, chưa đưa đất vào sử dụng với hơn 78ha. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết thu hồi các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất sử dụng không đúng mục đích; xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Việc đầu tư các công trình nước sạch còn lãng phí, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có 61/134 công trình không hoạt động. Đây là vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra khi sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Đoàn giám sát cũng đặt ra vấn đề xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khi toàn tỉnh đã triển khai hơn 400 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý hành chính với 109 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác như: việc chuyển nguồn, quản lý sử dụng vốn ODA, tình trạng nợ đọng thuế, các dự án đầu tư công, nợ đọng xây dựng cơ bản; quản lý lao động và sử dụng lao động cũng được các thành viên đề nghị tỉnh báo cáo làm rõ khi thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

LONG AN: CẦN LÀM RÕ VIỆC THỰC HIỆN TIÊU CHUẨN ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG TRỤ SỞ LÀM VIỆC

Đoàn công tác số 2 của Đoàn giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Long An và Bình Phước về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.

Các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Long An về triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; đồng thời, đề nghị tỉnh giải trình một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện tiêu chuẩn định mức sử dụng trụ sở làm việc. Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Long An giải trình thêm các quyết định dự án đầu tư vượt quá khả năng bố trí vốn, dẫn đến không hoàn thành theo đúng thời gian quyết định đầu tư.

SỚM KHẮC PHỤC 26.526HA ĐẤT RỪNG BỊ LẤN CHIẾM, XÂM CANH TẠI BÌNH PHƯỚC

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước, các thành viên đoàn giám sát đề nghị tỉnh giải trình một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện ban hành quy chế sử dụng quỹ đất trên địa bàn; đánh giá khả năng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế cơ sở; việc chi cho các hoạt động hữu nghị với các nước bạn; hoạt động tổ chức phân giới cắm mốc nhằm đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới.

Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Bình Phước giải trình thêm những nguyên nhân chậm lập thẩm định và phê duyệt phương án trồng rừng thay thế gây bất lợi cho ngân sách nhà nước; đánh giá thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng 26.526 ha đất rừng bị lấn chiếm, xâm canh.

TRAO QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

Sáng 21/7, Văn phòng Quốc hội tổ chức Lễ trao quyết định bổ nhiệm bà Vũ Thị Thu Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản trị, Văn phòng Chính phủ giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Quốc hội.

Tại buổi lễ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chúc mừng đồng chí Vũ Thị Thu Nga đã được Đảng ủy, lãnh đạo của Văn phòng Quốc hội, Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ tin tưởng và quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính.

Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội nhấn mạnh đây là vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm rất nặng nề trong bối cảnh yêu cầu công việc ngày càng cao. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, trên cương vị mới, tân vụ trưởng cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức, nắm chắc các quy định pháp luật để thực hiện thật tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cũng như là chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực kế hoạch, tài chính các cơ quan của Quốc hội.

Tân Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Vũ Thị Thu Nga cảm ơn sự ghi nhận, tín nhiệm của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và các Vụ, đơn vị; bày tỏ sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị để xây dựng đơn vị luôn là tập thể đoàn kết trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh, chủ động, tích cực tham mưu công tác tài chính có hiệu quả đối với các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Thực hiện : Lan Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quoc-hoi-trong-tuan-3
Zalo