Quốc hội tranh luận việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản, mà ngân sách chưa thể đáp ứng, song cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc lập quỹ này, nhất là trong điều kiện một số quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả...

Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Ảnh minh họa.

Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Ảnh minh họa.

Việc có nên thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa hay không là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, được các đại biểu Quốc hội tranh luận tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chiều 23/10.

Quan tâm và ủng hộ việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Thích Đức Thiện, đoàn tỉnh Điện Biên, cho biết theo thống kê cả nước ta hiện có hơn 40.000 di tích, hơn 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích ở nước ta còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. “Nhiều di tích, di sản văn hóa đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì. Ví dụ như di tích Đồng Dương ở Quảng Nam đang trong tình trạng khẩn cấp và cần nguồn lực để khôi phục…”, đại biểu Thích Đức Thiện dẫn chứng.

Theo đại biểu, việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết, để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa mà ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng được. Quỹ sẽ góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, vốn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, để Quỹ này hoạt động hiệu quả, đại biểu cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào Quỹ, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của Quỹ.

Đại biểu Thích Đức Thiện, Đoàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Thích Đức Thiện, Đoàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quochoi.vn.

Bên cạnh đó, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ. Quỹ cũng cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.

Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất mở rộng thẩm quyền thành lập Quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn tỉnh Hà Giang, cho rằng nguồn lực dành cho bảo tồn di sản văn hóa và các nhiệm vụ khác đang đặt ra yêu cầu, nhu cầu rất lớn về ngân sách đảm bảo.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này đã quy định về thẩm quyền thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa và cấp thành lập gồm cả ở Trung ương và địa phương.

Về nguồn thu, dự thảo Luật đã thể hiện rõ là không sử dụng ngân sách Nhà nước. Trong Tờ trình của Chính phủ đã có báo cáo về kinh nghiệm về việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, lưu ý trong cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng quỹ Thừa Thiên Huế được sử dụng các nguồn ngân sách của các địa phương hỗ trợ cho tỉnh.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay nguồn thu của Quỹ này mới hơn 8 tỷ đồng và rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Đại biểu nêu rõ, nguồn thu ở đây là nguồn viện trợ và các tài trợ khác, tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ về nguồn thu.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo đại biểu, việc thành lập Quỹ đặt ra từ yêu cầu thực tiễn, song điều này cũng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro như: Phân tán về nguồn lực của ngân sách Nhà nước; khó khăn khi triển khai tổ chức thực hiện...

“Tôi cho rằng, khi nguồn lực của chúng ta không được thể hiện một cách rõ ràng thì sẽ rất khó để tổ chức được thực hiện, đặc biệt là đối với các địa phương, việc thành lập, duy trì và quản lý, vận hành các quỹ này sẽ vô cùng khó khăn”, đại biểu tỉnh Hà Giang nêu quan điểm. Do đó, đại biểu đề nghị nội dung này cần được xem xét thấu đáo và cân nhắc việc thành lập Quỹ.

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đại biểu, hiện nay chúng ta thành lập rất nhiều quỹ. Quốc hội giám sát các quỹ tài chính ngoài ngân sách cũng đã khẳng định hoạt động không hiệu quả. Cũng đã có ý kiến nên giảm quỹ tài chính ngoài ngân sách thời gian qua.

“Nhưng tôi để ý từ Khóa XIV đến nay, đã có ý kiến như vậy rồi song các cơ quan trình dự thảo luật phần lớn đều có đề nghị thành lập quỹ và được Quốc hội chấp nhận. Như vậy, chúng ta không giảm quỹ mà lại tăng quỹ ngoài ngân sách Nhà nước. Đây là vấn đề cần cân nhắc”, đại biểu Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu cũng nêu rõ, dù quỹ này không phải ngân sách Nhà nước nhưng huy động toàn dân cũng là nguồn lực của xã hội. Mà khi đề nghị thành lập quỹ thì đều nêu lý do chính đáng. Đây là vấn đề cần suy nghĩ xem có cần thiết hay không.

“Thừa Thiên - Huế đang thí điểm Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, nhưng Huế là di tích đặc biệt, còn quỹ này là Quỹ Bảo tồn di sản cả nước thì có nên hay không. Đề nghị cân nhắc thêm”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói.

Giải trình về vấn đề này vào cuối phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tái khẳng định quỹ này không sử dụng ngân sách Nhà nước mà tiếp nhận các nguồn tài trợ, hiến tặng.

“Ngay cả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa với một kinh phí chúng ta cho là lớn, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ cho nhu cầu phát triển văn hóa. Còn sự tham gia của xã hội rất quan trọng. Quỹ này chính là cơ chế để tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp đó”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, di sản văn hóa là loại hình đặc biệt dưới sự quản lý của Nhà nước. Việc tổ chức, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa được thực hiện chặt chẽ. Do đó, cơ chế của quỹ sẽ giúp huy động thêm các nguồn lực.

“Luật cũng quy định không nhất thiết địa phương nào cũng cần thành lập quỹ mà tùy tình hình thực tế. Nếu địa phương thấy có điều kiện thì thành lập hoặc không nhất thiết”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lý giải thêm.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quoc-hoi-tranh-luan-viec-thanh-lap-quy-bao-ton-di-san-van-hoa.htm
Zalo