Quốc hội thông qua nghị quyết đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Với 429/434 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành, ngày 17/5/2025, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết này áp dụng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Các đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Các đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Quốc hội quyết nghị, số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có), bao gồm cả kiểm tra liên ngành, không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trường hợp đã tiến hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra hoặc đã tiến hành hoạt động kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Một trong những nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh được Quốc hội quyết nghị là đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự, Quốc hội quyết nghị ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.

Đối với hỗ trợ tài chính, tín dụng, Nghị quyết nêu rõ, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Trong đó, doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 05 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ.

Trong hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công, Quốc hội nêu rõ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được Nhà nước hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương.

Bên cạnh đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/1/2026; chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 1/1/2026.

Quốc hội cũng chốt bố trí ngân sách Nhà nước để triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030, đồng thời cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo nghị quyết vừa được thông qua, Nhà nước sẽ mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân.

Nhà nước cũng xây dựng chương trình, bố trí ngân sách để triển khai hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, trong đó có chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng cho biết, để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp 2013 về không phân biệt các thành phần kinh tế, bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tránh vi phạm nguyên tắc về “đối xử quốc gia”, dự thảo Nghị quyết đã quy định đối tượng áp dụng là đối với mọi loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Một số đối tượng cụ thể như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo... có chính sách đặc thù riêng đã được quy định cụ thể tại các điều khoản của dự thảo Nghị quyết.

Về những nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/CP được thể chế hóa tại dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, nghiên cứu các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, đồng thời rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan, cũng như các luật đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và xác định một số cơ chế, chính sách có nội hàm đã rõ, đủ cụ thể, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, có tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân để thể chế ngay tại Nghị quyết này.

Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp còn lại của Nghị quyết số 68-NQ/CP sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa tối đa tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và các kỳ họp tiếp theo.

Duy Khánh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-dac-biet-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-98979.html
Zalo