Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, giải quyết kiến nghị của cử tri

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định tình hình kinh tế - xã hội tích cực và khả quan trên các lĩnh vực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.

Toàn cảnh Kỳ họp. (Ảnh: Quốc hội)

Toàn cảnh Kỳ họp. (Ảnh: Quốc hội)

Một số chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (10/2023) như tốc độ tăng GDP đạt 5,05%; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD - thuộc nhóm các nước trung bình cao. Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Những tháng đầu năm 2024, Chính phủ nhận định tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn.

Tuy nhiên, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi…

Để hoàn thành kế hoạch kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nêu 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; rà soát, kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới quản lý công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, thực sự là công bộc của nhân dân...

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6. Theo đó, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết...

H.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-giai-quyet-kien-nghi-cua-cu-tri-171095.html
Zalo