Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Chiều 22/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Dưới sự điều hành của đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Tổ thảo luận số 12 gồm đại biểu Quốc hội các Đoàn: Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Bình, Hưng Yên đã tập trung thảo luận, góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH Đoàn Bắc Kạn) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng khi bổ sung nội dung “Bảo đảm cung cấp cơ sở thực tiễn trong quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” là một nguyên tắc mới của hoạt động giám sát vì nội dung này phản ánh mục đích chứ không phải là nguyên tắc của hoạt động giám sát.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, làm rõ những điểm chưa phù hợp của quy định tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo hằng năm của các cơ quan tư pháp trong Luật hiện hành và cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định “Đối với báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại; báo cáo tổng hợp của Chính phủ về việc giải quyết tố cáo được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp giữa năm” là rất phù hợp, đảm bảo việc xem xét, đánh giá của Quốc hội đối với các cơ quan này chính xác, toàn diện hơn.
Về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Thủy không tán thành việc luật hóa nội dung này (cả Phương án 1 và Phương án 2) vì đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đều có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ khi được giao.
Từ thực tiễn thi hành Luật tại địa phương, đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị xem xét, sửa đổi Điều 52 Luật hiện hành về quy định Đoàn đại biểu Quốc hội khi thành lập Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, ngoài một đại biểu là Trưởng đoàn giám sát phải có ít nhất ba đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát. Vì thực tế hiện nay, Đoàn ĐBQH các tỉnh chỉ có 01 - 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên ít có điều kiện để tham gia hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Đồng thời, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 5 Luật hiện hành quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự để thống nhất với thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân trong giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp được quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, khoản 1 Điều 5 Luật hiện hành.
Nêu rõ những bất cập trong thực hiện quy định chậm nhất là ngày 01 tháng 9 của năm trước, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cử tri ở địa phương gửi đề xuất Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân hằng năm tại khoản 1 Điều 58 Luật hiện hành, đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết việc đề xuất Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân hằng năm phải xuất phát từ những vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri và Nhân dân quan tâm. Việc quy định thời gian như trên tính đến thời điểm diễn ra kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh là quá dài, trong thời gian này có thể tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội... đã có những thay đổi nhất định. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc lựa chọn nội dung giám sát đảm bảo tính thời sự, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 38 Điều 1 dự thảo Luật quy định thời gian gửi kiến nghị giám sát chậm nhất là ngày 01 tháng 11 của năm trước để phù hợp với thực tiễn./.