Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng để chốt nhiều quyết sách lớn cho giai đoạn phát triển mới
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới mang tính nhảy vọt, thể hiện bước đổi mới tư duy trong xây dựng thể chế được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tham gia ý kiến thảo luận tích cực và kỹ lưỡng.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 1. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Trên quan điểm xây dựng pháp luật theo hướng những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ do Chính phủ quy định, như vậy tạo thuận lợi cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế-xã hội.
Chương trình xây dựng luật phải thật sự sống động, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương của Đảng, phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn; phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “là trụ cột” cho việc xây dựng các luật mới, sửa đổi, bổ sung các luật bảo đảm đúng thẩm quyền.
Những ngày qua với chương trình nghị sự bận rộn, các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc “cách mạng” sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá phát huy nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Có thể khẳng định, Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thời gian qua. Trong đó nhấn mạnh:
Chương trình xây dựng luật phải thật sự sống động, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương của Đảng, phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn; phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới…
Tại diễn đàn nghị trường, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) và nhiều đại biểu quan tâm thảo luận về quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật về quy trình lập pháp rút gọn (thông qua trong một kỳ họp), đánh giá đây là một “sự thay đổi rất lớn và bứt phá” tiến bộ, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật, phù hợp yêu cầu cải cách lập pháp và hành chính, thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, của Đảng, Nhà nước cũng như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trong đổi mới tư duy công tác lập pháp của Quốc hội.
Với không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm cao, chung quanh phương án cải tiến rút ngắn quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật xuống còn 1 kỳ họp, thay vì 2 kỳ họp như trước nhận được nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng còn ý kiến băn khoăn. Dù vậy, thực tiễn qua nhiều kỳ họp đã cho thấy, một số dự án luật dù không có nhiều ý kiến khác nhau vẫn phải kéo dài theo đúng quy trình 2 kỳ họp, dẫn tới vừa lãng phí thời gian, công sức, làm lỡ nhịp bước phát triển.
Bên cạnh nhất trí rút ngắn quy trình 1 kỳ họp, các đại biểu quan tâm về nội dung phản biện xã hội trong quy trình lập pháp. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, quy định này phù hợp thực tiễn nhiệm vụ hiện nay của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội. Quy định rõ sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc và thuận lợi hơn cho hoạt động phản biện xã hội, góp phần nâng cao chất lượng của dự thảo luật.
Chung quan điểm, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị: Cần nghiên cứu, bổ sung việc phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ngay tại quy trình xây dựng chính sách, ngay từ khâu đề xuất, bảo đảm các chính sách phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Làm tốt việc này cũng góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng chính sách, đưa chính sách đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả.
Đề cập sự linh hoạt trong quá trình soạn thảo, rút ngắn thời gian để đẩy nhanh tiến độ ra quyết sách, ví như việc “chuyển vai” nhiều hơn về cho Chính phủ, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng: Dù quy trình ban hành luật cần linh hoạt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thì yếu tố minh bạch, công khai và tham vấn vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Đại biểu nhận xét, năm 2025, Chính phủ dự định xem xét ban hành khoảng 130 văn bản thì cho phép đến 69 văn bản trong đó được thực hiện thủ tục rút gọn.
Cho rằng, có thể không có thời gian lấy ý kiến nhưng vẫn phải đăng tải công khai dự thảo các văn bản quan trọng, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rõ: Chỉ khi bảo đảm được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan, hệ thống pháp luật mới thật sự phản ánh nhu cầu thực tế, tránh xảy ra bất cập khi đi vào cuộc sống. Giải pháp quan trọng là giữ nguyên việc đăng tải công khai ngay cả với văn bản thực hiện thủ tục rút gọn.
Quốc hội tại kỳ họp này đã và đang thể hiện quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật. Tinh thần đó nhận được sự hưởng ứng từ các đại biểu Quốc hội, cử tri.
Với thủ tục, quy trình rút gọn một dự án luật được thông qua trong 1 kỳ họp, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) thẳng thắn chỉ rõ 4 thách thức: Về chất lượng lập pháp có nguy cơ giảm do rút ngắn thời gian; thiếu thời gian phản biện và lấy ý kiến xã hội; áp lực lớn lên các cơ quan lập pháp; nguy cơ không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đây là nội dung được đông đảo đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Để xử lý hiệu quả 4 thách thức nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị: Xây dựng quy trình thẩm định nghiêm ngặt trước khi trình Quốc hội; tăng cường vai trò của Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra nội dung dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.
Yêu cầu khác là bổ sung quy trình tham vấn từ sớm, ngay từ khi xây dựng chính sách; tăng cường năng lực tài chính và nhân sự cho cơ quan soạn thảo và thẩm định, thẩm tra; xây dựng cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu pháp luật...
Cho rằng với quy định tham vấn là cần thiết, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), tham vấn phải đúng đối tượng, đúng bản chất và việc áp dụng đúng bản chất bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm yêu cầu “đúng vai, thuộc bài” giữa các cơ quan. Về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, các cơ quan soạn thảo nên lấy ý kiến rộng rãi, “đặt mục tiêu doanh nghiệp và người dân là trên hết”, những đối tượng chịu tác động của dự thảo luật đều được lấy ý kiến.
Việc xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần này có ý nghĩa là nền tảng, tạo hành lang pháp lý xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Phát biểu tại hội trường và tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Dự thảo Luật được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện, với những thay đổi lớn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.
Tuần này, tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung, trong đó có công tác nhân sự, trước khi bế mạc, Quốc hội tiếp tục tập trung trí tuệ, thời gian thảo luận kỹ lưỡng, thông qua những quyết sách khẩn trương, cấp bách từ đòi hỏi cuộc sống, từ “mệnh lệnh” của công cuộc phát triển đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.