Quốc hội thảo luận cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân, số lượng thành viên Chính phủ
Dự kiến hôm nay Quốc hội thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; cơ cấu tổ chức của Chính phủ, số lượng thành viên Chính phủ...
Theo nghị trình, sáng nay (17-2), Quốc hội (QH) sẽ thảo luận tại hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cuối tuần qua, khi thảo luận tại tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi (đoàn TP Hà Nội), người được giao chủ trì thẩm tra dự thảo nghị quyết của QH, thông tin QH đã thông qua chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từ năm 2009 và quyết định dừng thực hiện chủ trương này năm 2016, chủ yếu do các điều kiện về kinh tế - xã hội. Cuối tháng 11-2024, với việc QH biểu quyết thông qua Nghị quyết 174, chúng ta tái khởi động lại dự án này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: QH
Ông Tạ Đình Thi cho hay theo kế hoạch, tại kỳ họp QH tháng 5, Chính phủ sẽ trình việc điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Cùng với đó, Chính phủ sẽ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) với mục đích chủ yếu để phục vụ cho việc triển khai dự án này.
Theo tờ trình, Chính phủ nêu mục tiêu đưa vào vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2030 để bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại mốc thời gian này khó khả thi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho hay thông lệ quốc tế thường là năm năm xây dựng dự án và khoảng ba năm chuẩn bị dự án. Theo ông Thi, chúng ta đã có quá trình chuẩn bị khá dài, từ nay cho đến tháng 5, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và tiếp tục báo cáo QH nhưng sẽ tranh thủ trình trước một số cơ chế, chính sách.
“Chúng tôi thấy rằng việc này cũng rất cần thiết, để chúng ta tranh thủ thời gian” - ông Tạ Đình Thi nêu quan điểm và cho rằng Chính phủ phải khẩn trương xây dựng báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi. Trên cơ sở đó mới có thể trình QH xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư với quy mô vốn, quy mô dự án cụ thể, kể cả công nghệ…
Về tiến độ, đại biểu (ĐB) QH đoàn Hà Nội cho hay Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2025. Trong đó, mặt bằng dự án trước đây khoảng 1.600 ha, còn khoảng 1.000 hộ dân và 5.000 nhân khẩu. “Thách thức tiến độ đặt ra rất lớn” - ông Thi nói.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM). Ảnh: QH
Tại đoàn TP.HCM, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết ông là một trong số các ĐB đã bấm nút biểu quyết tạm ngưng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời cũng là người ủng hộ chủ trương tái khởi động dự án này vì thấy “đã đến lúc phải làm”.
Ông Trương Trọng Nghĩa nói đọc báo cáo thẩm tra, ông thấy nhiều điểm rất đúng, rất hay và rất trùng với ý cá nhân. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ trả lời, giải trình hết những vấn đề báo cáo thẩm tra nêu” - ông Nghĩa nói và cho rằng việc này giúp ĐB có đầy đủ thông tin khi quyết định bấm nút thông qua nghị quyết.
ĐB Trương Trọng Nghĩa sau đó nêu ra một số băn khoăn, trong đó có vấn đề xử lý chất thải hạt nhân. Theo ông Nghĩa, hiện nay một số quốc gia như Mỹ, Pháp vẫn áp dụng hình thức chôn lấp. Dẫn chứng từ Pháp, trong vòng 40 năm, 58 lò phản ứng của Pháp đã phát thải hơn 1 triệu m3 chất thải; đến năm 2020, con số này là khoảng 2 triệu.
“Các chất thải này tồn tại rất lâu dưới dạng phóng xạ trong ít nhất 30 năm nhưng cũng có thể kéo dài hàng trăm năm” - ông Nghĩa nói và cho biết các nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp, như đưa vào không gian, chôn sâu dưới đất, chôn lấp dưới đáy biển, chôn sâu dưới băng, cất giữ trong đá nhân tạo… Tuy nhiên, tất cả phương pháp nói trên chưa đem lại sự an toàn tuyệt đối, tạo áp lực không nhỏ cho các quốc gia trong quá trình triển khai phát triển điện hạt nhân.
“Việt Nam chúng ta cũng đã nghiên cứu về phương án xử lý. Chúng tôi thống nhất nguyên tắc là phải làm (điện hạt nhân) nhưng đề nghị phải cân nhắc. Chất thải này nếu để lại ở Việt Nam thì phương án chôn lấp và xử lý ở đâu, cần phải làm rõ” - ông Nghĩa nói.
Trong ngày làm việc hôm nay, QH còn thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Một nội dung khác, QH sẽ nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận tại đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV; cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV.