Quốc hội sửa tên 'Kỳ họp bất thường' thành 'Kỳ họp không thường lệ'
Quốc hội thống nhất sửa tên gọi 'Kỳ họp bất thường' thành 'Kỳ họp không thường lệ' sau khi tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Chiều 17/2, với 461/461 đại biểu (96,44% tổng số đại biểu Quốc hội) có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp chiều 17/2. (Ảnh: quochoi.vn)
Nhiều đại biểu băn khoăn về tên gọi “Kỳ họp bất thường” và kiến nghị Quốc hội sử dụng cách gọi khác phù hợp hơn. Cụ thể, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thay cụm từ "Quốc hội họp bất thường" tại khoản 2 thành "Quốc hội họp không thường lệ" hoặc Quốc hội có kỳ họp chuyên đề.
Trên cơ sở các phương án đề xuất của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa quy định về "Quốc hội họp bất thường" tại khoản 2 Điều 83 của Hiến pháp thành "kỳ họp không thường lệ".
Theo đó, kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đánh số các kỳ họp thường lệ và không thường lệ của Quốc hội cho phù hợp để thực hiện thống nhất từ nhiệm kỳ sau.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua, nhằm bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.