Quốc hội sửa Luật Tổ chức Quốc hội nhằm sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được sửa đổi theo hướng phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
![Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_95_51456061/47d08725b06b5935007a.jpg)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng
Phân định thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ và cơ quan khác
Sáng 12/2, trong chương trình Kỳ họp bất thường thứ 9 Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Ông Lê Quang Tùng cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về phạm vi sửa đổi: Trên cơ sở mục đích, quan điểm chỉ đạo và kết quả rà soát Luật Tổ chức Quốc hội, UBTVQH đề xuất phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội tập trung vào các nội dung sau:
Một là: Sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Hai là: Sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH.
Ba là: Điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Với phạm vi như trên, sau khi Quốc hội xem xét, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, Nghị quyết về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, UBTVQH sẽ ban hành Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan của Quốc hội (bao gồm cả đơn vị chuyên môn giúp việc).
Về bố cục, dự thảo Luật tập trung vào 35/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.
Về nội dung sửa đổi cụ thể, Chính phủ đề xuất sửa đổi như sau:
- Về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội để làm rõ phạm vi những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật. Việc phân định thẩm quyền giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước khác trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ được tiếp tục làm rõ, cụ thể hóa trong các luật, nghị quyết điều chỉnh về từng lĩnh vực chuyên ngành.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan của Quốc hội (Chương IV của Luật Tổ chức Quốc hội) theo hướng tiếp tục khẳng định Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội; số lượng, tên gọi các Ủy ban do Quốc hội quyết định; quy định các chức năng cơ bản của các cơ quan của Quốc hội tập trung vào 03 nội dung thẩm tra - giám sát - kiến nghị; quy định khái quát về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
![Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng nay (12/2)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_95_51456061/d7351ec0298ec0d0999f.jpg)
Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng nay (12/2)
- Sửa đổi, bổ sung quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (các Điều 98, 99, 100 của Luật Tổ chức Quốc hội) phù hợp với Kết luận số 111-KL/TW của Bộ Chính trị như: xác định Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; không quy định về Phó Tổng Thư ký, Ban Thư ký, về cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hộivà đại biểu Quốc hội(các điều 12, 13, 30, 39, 48 của Luật Tổ chức Quốc hội) như: việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; việc đại biểu Quốc hội tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và thẩm quyền của UBTVQH trong xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, về kinh phí hoạt động của Quốc hội.
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, bổ sung và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội như được nêu trong Tờ trình của UBTVQH.
UBTVQH bày tỏ tán thành với việc sửa đổi quy định về làm luật, sửa đổi luật tại Điều 5 của Luật nhằm phân định thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.
UBTVQH tán thành với việc Luật này chỉ quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; còn việc thành lập từng Ủy ban cụ thể thì do Quốc hội quyết định căn cứ vào chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước trong từng thời kỳ nhằm bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Luật.
UBTVQH cũng tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH như dự thảo Luật. Việc không quy định về Phó Tổng Thư ký, Ban Thư ký và cơ quan thuộc UBTVQH trong Luật Tổ chức Quốc hội là nhằm thể chế hóa chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước tại Kết luận số 111-KL/TW của Bộ Chính trị.
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_95_51456061/50e38516b2585b060249.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Bên cạnh đó, UBTVQH cũng nêu một số vấn đề của dự án Luật hiện vẫn còn ý kiến khác nhau để Quốc hội thảo luận.
Về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội (Điều 86): Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành với việc không quy định về Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội mà quy định nội dung này trong Nghị quyết của UBTVQH.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Luật Tổ chức Quốc hội cần quy định một số thẩm quyền cụ thể của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội để làm cơ sở pháp lý cho việc quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan này trong các luật khác hoặc trong văn bản của UBTVQH.
Về tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội (Điều 39): Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng để quy định cụ thể các trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và việc xử lý hệ quả của việc tạm đình chỉ tại Điều 39 của dự thảo Luật cũng như trong Nghị quyết của UBTVQH về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tránh áp dụng tùy nghi, ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của đại biểu Quốc hội và cán bộ công tác tại các cơ quan của Quốc hội.
Ngoài các nội dung nêu trên, còn có ý kiến về một số nội dung cụ thể khác, UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.
Sáng 12/2, ngay sau khi Chính phủ trình Tờ trình và Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội đã họp tổ để thảo luận về dự án Luật này.
Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự thảo Luật sẽ được thảo luận ở hội trường vào chiều 12/2 và được thông qua vào chiều 17/2.