Quốc hội sẽ cho ý kiến sửa đổi nhiều Luật liên quan đến công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về dự kiến các nội dung sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

- Thưa ông, để nhằm triển khai công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội sẽ cho ý kiến những vấn đề gì?

Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến khai mạc ngày 12-2 và bế mạc ngày 18-2, qua đó:

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; xem xét, quyết định 4 nội dung khác thuộc thẩm quyền: (1) Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); (2) Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); (3) Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); (4) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; (5) Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; (6) Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); (7) Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; (8) Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; (9) Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; (10) Công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

- Thưa ông, một vấn đề được nhiều cử tri quan tâm lúc này là những giấy tờ, văn bản đã được cơ quan, người có thẩm quyền cấp trước khi các cơ quan bị sáp nhập, giải thể thì sẽ được giải quyết như thế nào sau khi tiến hành sắp xếp các cơ quan nhà nước này?

Để giải quyết những vấn đề sẽ phát sinh sau khi tiến hành sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về thẩm tra dự thảo nghị quyết này, đối với vấn đề giấy tờ, văn bản đã được cơ quan, người có thẩm quyền cấp, ban hành (Điều 11) và rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật (Điều 13)

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào Điều 11 quy định giao thẩm quyền cho cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản do cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp đã ban hành trước đó để bảo đảm thuận lợi, thông suốt, kịp thời đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Điều 13 quy định về thời hạn hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế để có cơ sở đôn đốc, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

TRÍ NGHĨA (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202502/quoc-hoi-se-cho-y-kien-sua-doi-nhieu-luat-lien-quan-den-cong-tac-sap-xep-hoan-thien-the-che-co-che-van-hanh-cac-co-quan-don-vi-to-chuc-cua-he-thong-chinh-tri-182127b/
Zalo