Quốc hội rất đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn

Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan nhìn nhận, công tác làm luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có nhiều điểm sáng, nhiều dự án luật rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến chính trị, kinh tế, xã hội, đời sống người dân. Các Đại biểu Quốc hội đã rất trách nhiệm, nghiên cứu để đóng góp ý kiến ở mức độ cao nhất, giúp cho luật sớm đi vào thực tiễn.

Ngày 29/6, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, có nhiều chính sách tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đời sống người dân. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua một luật sửa đổi, bổ sung về thời điểm có hiệu lực đối với các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.

Điều đó thể hiện đây là kỳ họp có nhiều điểm sáng trong các hoạt động của Quốc hội và là kỳ họp bản lề giúp các Đại biểu Quốc hội có cơ sở tiếp tục giám sát những lời hứa, việc làm của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; còn Chính phủ có dịp nhìn lại những hoạt động đã triển khai để có giải pháp và lộ trình thực hiện một cách tốt hơn trong thời gian tới. Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hà Giang, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có những nhìn nhận để làm rõ hơn về vấn đề này.

 Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

+ Thưa Đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi. Quan điểm của Đại biểu nhìn nhận như thế nào về những nỗ lực, sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ thông qua góc độ tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật?

- Tôi cho rằng, công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Bởi vì, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật và xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật… khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn.

Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rất cao các cơ quan của Chính phủ soạn thảo các dự án luật đã chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ đầy đủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; khắc phục được vấn đề gửi muộn hồ sơ dự thảo đến các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội để nghiên cứu.

Đồng hành với đó, các cơ quan của Quốc hội cũng tiến hành thẩm tra dự án luật một cách tích cực, trách nhiệm, bắt tay ngay vào công việc không quản ngày đêm, liên tiếp tổ chức các cuộc họp của các Ủy ban của Quốc hội để tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng những dự thảo luật trước khi trình ra Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng “xắn tay” vào, có sự điều chỉnh liên tục các cuộc họp để kịp thời giải quyết nội dung cấp bách, hoàn chỉnh những dự án luật.

Còn Đại biểu Quốc hội thì với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cũng đã dành rất nhiều thời gian, trí tuệ để nghiên cứu từng dự án luật, góp ý, phát biểu thẳng thắn thông qua thảo luận tại Tổ cũng như thảo luận tại Hội trường, nhằm nâng cao chất lượng dự án luật trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.

Một vấn đề đặc biệt nữa mà chúng tôi rất ghi nhận trong Kỳ họp thứ 7 là việc tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Tổ và tại Hội trường đã được tổ thư ký tổng hợp rất nhanh, kịp thời. Ngay sau mỗi buổi thảo luận, các Đại biểu Quốc hội đều có thể xem lại ý kiến của mình. Trong khi đó, các cơ quan soạn thảo cũng nhanh chóng tổng hợp ý kiến đóng góp để có báo cáo tiếp thu, giải trình, gửi lại cơ quan thẩm tra và Đại biểu Quốc hội để Đại biểu Quốc hội tiếp tục có “kênh” phản ánh, xem những vấn đề nào còn băn khoăn và cho ý kiến tiếp.

Một nội dung nữa, công tác làm luật lần này có nhiều dự án luật rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến chính trị, kinh tế, xã hội, đời sống người dân. Các Đại biểu Quốc hội đã rất trách nhiệm, nghiên cứu để đóng góp ý kiến ở mức độ cao nhất, giúp cho luật sớm đi vào thực tiễn. Cũng phải nói rằng, các cơ quan báo chí, truyền thông đã góp phần quan trọng đối với vấn đề xây dựng luật của Quốc hội, vì đã phản ánh rất kịp thời diễn biến tại nghị trường, để cử tri theo dõi sát và có phản hồi ngược lại, giúp cơ quan thẩm tra, Đại biểu Quốc hội nắm bắt thêm “kênh” thông tin từ cử tri, sau đó tiếp tục tham gia góp ý vào dự án luật…

 Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan. Ảnh: Nguyễn Hường.

Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan. Ảnh: Nguyễn Hường.

Tất cả những điều đó đã góp phần giúp cho các phiên thảo luận tại nghị trường rất sôi nổi, đi đến thống nhất và bấm nút quyết định với tỷ lệ rất cao.

+ Cũng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua một luật sửa đổi về thời điểm có hiệu lực sớm hơn đối với các luật khác. Bà đánh giá như thế nào sự “đột phá” này?

- Đúng là trường hợp rất đặc biệt, vì từ trước đến nay, chúng ta chỉ xem xét việc kéo dài, lùi thời hạn thực hiện các quy định của pháp luật. Đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét việc đẩy sớm thời gian thực hiện, mà lại là các luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, có rất nhiều điểm mới và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc phát triển kinh tế, xã hội.

Chúng tôi rất ủng hộ Chính phủ khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này. Qua đó, cũng để thấy rằng, Quốc hội rất đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn.

+ Đại biểu có lưu ý gì thêm sau khi Luật này được thông qua, thưa bà?

- Chính phủ và các Bộ, ngành đã tổ chức thường xuyên các hội nghị trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố để các địa phương tham gia trực tiếp ý kiến vào các dự thảo thông tư, nghị định để đảm bảo khi trình Quốc hội thông qua Luật, các địa phương đã chủ động triển khai các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của tỉnh, giúp địa phương có thể thực hiện được các nhiệm vụ và tháo gỡ khó khăn về nội dung dự thảo Luật đưa ra như trong hồ sơ.

Đối với các địa phương, trong phụ lục theo hồ sơ trình Quốc hội cũng đã nêu ra được các điểm mới, điểm có lợi khi thông qua thời hạn thực hiện 3 dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Các địa phương đã chủ động quyết liệt, tuy nhiên, hiện nay song song với Chính phủ, các Bộ, ngành tham gia vào các nghị định thì các địa phương cũng cần phải gấp rút chuẩn bị ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương.

Để đảm bảo khả năng tổ chức thực hiện trên thực tiễn ở mỗi địa phương khi đẩy sớm hiệu lực thi hành của 3 luật trên, việc tập huấn và đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi các luật này là hết sức quan trọng. Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền sâu rộng từ Trung ương tới địa phương để tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp khi triển khai thực hiện.

Sau khi Quốc hội thông qua luật này, Chính phủ cần tập trung có những giải pháp hết sức hữu hiệu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.

+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội!

Nguyễn Hường (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quoc-hoi-rat-dong-hanh-cung-chinh-phu-thao-go-nhung-vuong-mac-kho-khan-trong-thuc-tien-post302093.html
Zalo