Nỗi lo lương mới chưa về tài khoản, giá cả ngoài chợ đã tăng

Làm sao để việc tăng lương không bị lợi dụng, 'té nước theo mưa' nhằm tăng giá các mặt hàng vô tội vạ là vấn đề được dư luận quan tâm.

Lo giá sẽ 'tát nước' theo lương

Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu/tháng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng 200.000-280.000 đồng tùy vùng. Điều này làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... phấn khởi.

Tuy nhiên, song hành với niềm vui tăng lương là nỗi lo thường trực: giá cả tăng theo lương. Bởi “câu chuyện muôn thuở” của những lần tăng lương trước đó là lương tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo.

Lâu nay, có tình trạng chỉ mới có thông tin lương tăng thôi là giá cả hàng hóa, dịch vụ đã tăng từ trước đó. Điều này khiến cho việc tăng lương không còn nhiều ý nghĩa và đời sống của người lao động không được nâng cao.

Tại nhiều khu chợ trên địa bàn TP. Hà Nội, những ngày gần đây, giá cả hàng hóa đã bắt đầu rục rịch tăng nhẹ sau thông tin điều chỉnh lương từ ngày 1/7. Các mặt hàng tăng giá đều là hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm, rau xanh…

Để niềm vui tăng lương được trọn vẹn, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, từ nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực. Việc tăng giá theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Về các kênh phân phối, việc tăng giá thường diễn ra trước tại các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối… Còn các siêu thị, trung tâm thương mại, giá cả hàng hóa được giữ ổn định hơn do các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng từ trước đó.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ, tăng lương, giá tiếp tục tăng cho nên cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Ông cho rằng cần phải kiểm soát giá để tránh tình trạng đồng lương tăng được một chút, cuối cùng tất cả mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh hơn.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho hay, trong nhiều đợt tăng lương trước đây, như một “lộ trình”, trước khi lương tăng, hàng hóa đã rục rịch tăng. Sau khi có quyết định tăng lương thì giá cả thị trường lại tăng thêm một đợt nữa, thậm chí tăng cao hơn mức tăng lương của người lao động. Do đó, nhiều người không cảm thấy hào hứng khi được tăng lương.

Đại biểu Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - nêu ý kiến rằng cần làm tốt công tác thanh tra kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tình trạng tăng giá bất hợp lý làm mất đi ý nghĩa việc tăng lương, gây ảnh hưởng đời sống người lao động. Nhất là phải kiểm tra kiểm soát, đặc biệt với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống...

Giải pháp để "lương tăng giá không tăng"

Cùng ý kiến, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần làm tốt công tác thanh tra kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá. Theo ông Thịnh, để hạn chế tối đa việc tăng giá, các UBND, địa phương phải là người giám sát hoạt động mua bán kinh doanh ngay trên chợ dân sinh và ở các cửa hàng bán lẻ ở địa phương mình.

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng cần tiếp tục thực hiện cho tốt, trong đó các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá công khai, thông tin về giá. Đồng thời, tổ chức thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, lực lượng quản lý thị trường cần phải ra quân cao điểm kiểm tra kiểm soát hàng hóa, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - giám đốc Emonica Việt Nam - nêu giải pháp cần tuyên truyền, truyền thông để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh hiểu rằng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sức cầu yếu, việc tăng sẽ ảnh hưởng đến sức mua. Ông Bình đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần tăng thanh tra, giám sát để phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm luật cạnh tranh, liên kết tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng đến thị trường.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) khuyến nghị một số giải pháp: Các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng. Quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

Còn chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, nhìn nhận, để ổn định giá trong điều kiện tăng lương, cần tiến hành tăng nguồn cung hàng hóa, bảo đảm chuỗi cung ứng. Thậm chí, nguồn cung phải dồi dào để có thể đáp ứng ngay tại chỗ, ngay lập tức để ngăn việc tăng giá. Đồng thời, phải phát huy vai trò của các chương trình khuyến mãi quốc gia ngay thời điểm này. Đây là thời điểm hợp lý nhất, bởi không có gì hay bằng cách "đang tăng lương thì được giảm giá".

Còn kiểm soát theo từng mặt hàng, những nhóm mặt hàng Nhà nước định giá hay bình ổn giá như điện, nước, xăng dầu, dịch vụ công… cần giữ bình ổn. Vì đây là nhóm hàng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân và chi phí sản xuất, trực tiếp tác động giá thành sản phẩm.

Với những mặt hàng doanh nghiệp tự kê khai giá và tự chịu trách nhiệm, cần tăng cường thanh kiểm tra để kiểm soát. Nếu việc tăng giá bất thường, không có lý do chính đáng thì cần có hình thức xử lý thỏa đáng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Hoàng Ngân phân tích cho rằng, cần phải chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất. Và quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

Bộ Tài chính vừa đưa ra một loạt giải pháp nhằm ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh chính sách cải cách tiền lương đã có hiệu lực từ 1/7.

Theo đó, nội dung trọng tâm là đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp phù hợp...

Cơ quan quản lý tài khóa cho biết sẽ tập trung giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành phù hợp, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.

Bộ Tài chính cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường.

Đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ Xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu.

Đồng thời tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Minh Dũng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/noi-lo-luong-moi-chua-ve-tai-khoan-gia-ca-ngoai-cho-da-tang-d113014.html
Zalo