Quốc hội đúng vai, tròn vai

Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương đều có thẩm quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng chỉ có Quốc hội có thẩm quyền ban hành luật.

"Quốc hội cần đúng vai, thuộc bài"- câu nói của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đang được quán triệt mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội và rõ ràng nhất là trong hoạt động lập pháp.

Lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước là những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Trong các nhiệm vụ đó, những ngày này, khi Quốc hội thảo luận sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về công tác làm luật và sửa đổi luật của Quốc hội.

Luật là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành và được Chủ tịch nước công bố, có hiệu lực pháp lý cao nhất sau Hiến pháp. Luật phải phù hợp với Hiến pháp, mọi văn bản pháp luật dưới luật phải phù hợp với Hiến pháp và luật. Luật và văn bản dưới luật như vậy có giá trị diễn giải, làm phong phú, đầy đủ hơn nội dung, tinh thần của Hiến pháp.

Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương đều có thẩm quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng chỉ có Quốc hội có thẩm quyền ban hành luật.

 Để hoạt động lập pháp của Quốc hội tròn vai thì mỗi luật và cả hệ thống luật cần đáp ứng một số tiêu chí đề ra. Ảnh: QH

Để hoạt động lập pháp của Quốc hội tròn vai thì mỗi luật và cả hệ thống luật cần đáp ứng một số tiêu chí đề ra. Ảnh: QH

Để đúng vai thuộc bài, Quốc hội chỉ ban hành luật trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, luật cụ thể hóa những nội dung mà Hiến pháp bắt buộc phải quy định bằng luật. Những nội dung này được quy định rất rõ tại các Điều 14, 19, 20, 21, 22, 27, 31, 47, 54, 55, 80, 96, 101, 105, 107, 108, 110, 111, 112, 113, 117, 118 và 119.

Thứ hai, những nội dung thuộc về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, mà Hiến pháp nêu rõ là Quốc hội phải thực hiện, quyết định, quy định thì tùy nội dung phải được Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc luật.

Chính phủ, các cơ quan khác của Nhà nước, các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ hiến định cũng có quyền ban hành văn bản dưới luật. Dù vậy, hầu hết các nội dung này thường là quá trình cụ thể hóa quy định trong các luật, hoặc để tổ chức thực hiện luật, nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành.

Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất thì sự phân công, phối hợp rõ ràng, hợp lý, khoa học và sự kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; sự phân phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” cũng là cơ sở rất quan trọng bảo đảm cho Quốc hội lập pháp đúng vai.

Lập pháp đúng vai dễ xác định do có cơ sở Hiến định cũng như luật định khá rõ ràng, cụ thể và ngày càng hoàn thiện. Trong khi đó lập pháp tròn vai là vấn đề cần được tiếp tục phân tích, đánh giá.

Để hoạt động lập pháp của Quốc hội tròn vai, có thể nêu một số tiêu chí mà mỗi luật và cả hệ thống luật cần đáp ứng. Đó là:

- Tính Đảng, tính hợp hiến, tính khoa học, tính chuyên nghiệp, tính tuân thủ quy trình, thủ tục lập pháp do luật định.

- Đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, nhất quán và kịp thời của hệ thống luật theo đúng định hướng và chương trình lập pháp trên cơ sở bảo đảm quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp.

- Khả năng bao quát phạm vi điều chỉnh, các đối tượng áp dụng, dự liệu được các tình huống phát sinh, các ngoại lệ, đặc thù cần giải quyết, xử lý trong luật.

- Tuân thủ nguyên tắc, tính chất khung hợp lý của luật, bảo đảm sự điều chỉnh ổn định, đồng thời tạo sự linh hoạt trong quản lý, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương, cũng như trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, kiểm toán.

- Tính cụ thể trong những trường hợp cần thiết, tính minh bạch, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ áp dụng, chấp hành đối với các chủ thể có liên quan và dễ dự báo, luật có thể trực tiếp và nhanh chóng đi vào cuộc sống mà không phải chờ ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

- Tính nghiêm minh, công bằng, dân chủ, nhân văn, nhân đạo, tiến bộ, bao trùm và thúc đẩy phát triển.

- Tính dân tộc, tính hiện đại, tính hội nhập quốc tế.

- Tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả cao và đầy đủ.

Hiến pháp nêu rõ Quốc hội “làm luật và sửa đổi luật” không có nghĩa là Quốc hội tự mình nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chính sách lập pháp, tự mình biên tập, soạn thảo, hoàn chỉnh dự án luật, rồi tự mình thông qua (ban hành).

Bởi lập pháp, theo Hiến pháp là cả một quy trình, trong đó có những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trình dự án luật (Điều 84); Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án luật (Điều 75, 76); Quốc hội biểu quyết thông qua luật (Điều 85); Chủ tịch nước công bố luật (Điều 85, 88).

Làm luật và sửa đổi luật như vậy cần được hiểu theo nghĩa rộng, là một quá trình với sự tham gia và trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đó, Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chịu trách nhiệm trước Nhân dân có vai trò chủ đạo và là cơ quan có thẩm quyền quyết định cuối cùng.

Trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Quốc hội của chúng ta sẽ có sự phát triển đột phá theo hướng tin - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, làm việc đúng vai, tròn vai hơn trước, sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên phát triển mới, Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.

Ông NGUYỄN VĂN PHÚC, cựu đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-hoi-dung-vai-tron-vai-post833671.html
Zalo