Quốc hội chuẩn bị kiện toàn nhân sự
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 18/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và bắt đầu thực hiện quy trình kiện toàn nhân sự sau khi biểu quyết thông qua cơ cấu thành viên Chính phủ, Thường vụ Quốc hội.
Ngay đầu giờ sáng 18/2, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), một bước quan trọng để kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước. Với 463/465 đại biểu tán thành (chiếm tỷ 97 %), Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Luật gồm 6 chương, 28 điều; giảm 1 chương, giảm 22 điều và có 3 mục mới so với Luật hiện hành.
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã đẩy mạnh phân cấp cho Chính phủ tối đa, để Chính phủ chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa đất nước phát triển, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định liên quan tới phân cấp phân quyền quy định trong luật này với các luật có liên quan, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Theo kế hoạch, hôm nay, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra, thảo luận và biểu quyết thông qua hai Nghị quyết: cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi); cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi).
Khối Chính phủ sau sắp xếp gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ, ngành và 3 cơ quan so với hiện nay. Theo kế hoạch sắp xếp, tinh gọn, cơ quan của Quốc hội giảm 4 ủy ban, nâng cấp 2 ban.
Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua hai Nghị quyết khác liên quan đến tổ chức và nhân sự của Quốc hội, đó là Nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội và Nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi). Các quyết định về nhân sự cấp cao của Chính phủ, Quốc hội sẽ được đại biểu thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và thông qua theo quy trình chặt chẽ.