Quốc hội chốt nghị quyết về đột phá phát triển kinh tế tư nhân
Trưa 17-5, Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân với hàng loạt chính sách mang tính đột phá.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 17-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính
Theo đó, về cải thiện môi trường kinh doanh, nghị quyết yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát.
Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế. Không phân biệt đối xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác.
Nghị quyết cũng nêu, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi làm hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và lạm dụng vị trí độc quyền. Nghiêm cấm cơ quan truyền thông, báo chí, tổ chức, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC
Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo. Không được áp dụng hồi tố quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Các đại biểu dự họp Quốc hội sáng 17-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Xử lý kịp thời, hiệu quả vật chứng, tài sản nhưng không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ việc, vụ án; sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nhiều chính sách hỗ trợ về tiếp cận đất đai, tài chính
Nghị quyết cũng nêu: hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Về hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương.
Về hỗ trợ tài chính, tín dụng, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Nghị quyết cũng nêu, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1-1-2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế. Chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 1-1-2026.
Đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm
Nghị quyết cũng nêu các nội dung về hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: QUANG PHÚC
Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực, nghị quyết nêu: bố trí ngân sách nhà nước để triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030; cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Về hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong, nghị quyết nêu rõ, đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật.
Người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện đối với các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh và những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Nhà nước xây dựng chương trình và bố trí ngân sách để triển khai hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu thông qua các chương trình: chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global) để hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn, pháp lý, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, mua bán sáp nhập, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia...