Quốc hội bàn nhiều vấn đề có tính chất đột phá, có ý nghĩa lịch sử

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, với khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay, trong đó có nội dung sửa đổi Hiến pháp, quyết sách phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề trọng yếu của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc sáng 5/5 tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân ta, đất nước ta.

Nhiều nội dung đặc biệt quan trọng

Trên cơ sở thống nhất tại phiên họp trù bị sáng nay, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt, để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát thực tiễn”. Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30-6-2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, thuộc các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, tài chính - ngân sách, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét các báo cáo quan trọng của Chính phủ về: phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phấn đấu tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số trong các năm tiếp theo.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Trong thời gian diễn ra Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp

Sáng 5/5, tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp tổ ĐB TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC.

ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp tổ ĐB TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc tinh gọn bộ máy hành chính đang được triển khai theo đúng chủ trương của Đảng, đòi hỏi Hiến pháp 2013 cần được điều chỉnh tương ứng. Ông ủng hộ việc tập trung sửa đổi vào hai nhóm nội dung như đã nêu trong tờ trình: (1) các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; (2) các quy định nhằm thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Đại biểu cũng đồng tình với đề xuất thành lập Ủy ban Dự thảo và cho rằng Quốc hội sẽ góp ý cụ thể khi có dự thảo các điều khoản sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đại biểu Phan Văn Mãi cho biết, quy trình thảo luận sẽ triển khai theo hai bước, dù chỉ trong một kỳ họp. Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ủy ban sẽ xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân, các ngành, các cấp. Quốc hội sẽ cho ý kiến hai lần trước khi thông qua.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của nhân dân, các cấp, ngành và ý kiến thảo luận của các ĐB Quốc hội, ủy ban cùng các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết và trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần 2 đối với dự thảo nghị quyết.

Cuối cùng, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, ý kiến của các ĐB Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, trình Quốc hội thông qua.

“Quy trình như vậy, cộng với sự chuẩn bị kỹ càng và nội dung sửa đổi được khoanh định rõ ràng, theo tôi là đảm bảo chặt chẽ, cẩn trọng,” đại biểu Phan Văn Mãi khẳng định.

Đề xuất bố trí 44.000 tỷ đồng để chi cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Sáng 5-5, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, cùng tình hình triển khai kế hoạch năm 2025 trong những tháng đầu năm.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế quý I-2025 không đạt như kỳ vọng, tạo áp lực lớn lên công tác điều hành vĩ mô những quý còn lại của năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên. Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh Chính phủ cần tiếp tục kiên định các mục tiêu đã đề ra, đồng thời linh hoạt điều chỉnh chính sách điều hành kinh tế - xã hội theo tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh thế giới đang diễn biến khó lường.

Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất bố trí 44.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy. Đa số ý kiến cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất này. Trường hợp tổng kinh phí phát sinh vượt quá mức 44.000 tỷ đồng, Chính phủ được kiến nghị báo cáo Quốc hội hoặc, nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giữa hai kỳ họp.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng tán thành với đề xuất chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên chưa sử dụng của năm 2024 sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí và các nhiệm vụ phát sinh từ việc sắp xếp bộ máy.

Theo phương án cải cách, sau khi tinh gọn, cơ cấu Chính phủ sẽ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ và cơ quan ngang bộ); giảm 13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục và 203 đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến biên chế tại các bộ, ngành giảm khoảng 22.000 người, tương đương 20%.

Về thu ngân sách, các khoản thu nội địa đang đạt tiến độ khá, với 34/63 địa phương đạt trên 40% dự toán. Tuy nhiên, tổng nợ thuế nội địa tính đến ngày 30-4-2025 vẫn còn cao, ở mức khoảng 222.700 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2024. Chính phủ được đề nghị cần có giải pháp quyết liệt hơn nhằm thu hồi nợ thuế, đảm bảo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Ủy ban cũng thống nhất chủ trương dành 3% tổng chi ngân sách năm 2025 cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia – được xem là những động lực tăng trưởng quan trọng trong giai đoạn tới.

N.N

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/quoc-hoi-ban-nhieu-van-de-co-tinh-chat-dot-pha-co-y-nghia-lich-su-c2a96296.html
Zalo