Quốc hội bàn chương trình phát triển văn hóa 256.000 tỷ đồng

Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 với tổng nguồn lực hơn 256.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn.

Đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều 31/10. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều 31/10. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 1/11, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về nội dung này. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ngày 8/10 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về quyết định chủ trương đầu tư Chương trình này.

Theo đó, nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát gồm hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa; huy động sự tham gia của xã hội vào quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

Chương trình cũng hướng đến đưa văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân; xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao; phát huy tính dân tộc, khoa học và đại chúng, hội nhập quốc tế và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Chính phủ định hướng đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ trung tâm văn hóa thể thao, bảo tàng, thư viện. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Mỗi năm, ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đến năm 2035, ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp 8% vào GDP của cả nước. 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quoc-hoi-ban-chuong-trinh-phat-trien-van-hoa-256000-ty-dong-35158.html
Zalo