Quốc gia EU trục xuất nhân viên đại sứ quán Mỹ
Báo chí Tây Ban Nha cho biết nước này quyết định trục xuất các nhân viên sứ quán Mỹ sau khi các nhân viên này bị cáo buộc cố lấy thông tin mật.
El Pais trích dẫn các nguồn tin chính phủ hôm 7/12 cho biết, ít nhất hai nhân viên tại đại sứ quán Mỹ ở Madrid đã bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha một cách lặng lẽ vì nghi ngờ liên lạc với các điệp viên từ Trung tâm Tình báo Quốc gia (CNI) của nước này để lấy thông tin mật.
Theo tờ báo, hai sĩ quan tình báo Tây Ban Nha bị bắt cách đây hai tháng sau khi một cuộc thanh tra nội bộ tiết lộ rằng họ truy cập vào những thông tin mật không cần thiết cho công việc của họ và họ không có quyền biết.
Cuộc điều tra cho thấy ít nhất một người trong số họ đã được đặc vụ Mỹ hối lộ. Vụ việc chưa được công khai vì tòa án Tây Ban Nha ra lệnh giữ bí mật vụ việc.
El Espanol đưa tin, các đặc vụ Mỹ được cho là đã bắt đầu tìm kiếm các sĩ quan này từ hơn một năm trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Madrid, Julissa Reynoso và yêu cầu giải thích. Nhà ngoại giao này cho biết bà không biết chuyện gì đã xảy ra, xin lỗi và hứa sẽ hợp tác với cuộc điều tra nhiều nhất có thể, theo El Pais.
Bài báo đưa tin, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đồng ý trục xuất một cách kín đáo ít nhất hai nhân viên Mỹ liên quan đến vụ việc.
Tờ báo nêu chi tiết: “Việc tuyển dụng các đặc vụ bí mật của nước chủ nhà để phản bội đất nước của họ được coi là một hành động thù địch công khai”, đồng thời lưu ý rằng “gần như không có” trường hợp Tây Ban Nha từ chối chia sẻ thông tin mà Washington quan tâm và không rõ tại sao Mỹ lại phải làm như vậy khi họ “có được mọi thứ họ yêu cầu”.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ bị nghi ngờ do thám các đồng minh của mình. Năm 2013, một vụ bê bối quốc tế nổ ra sau khi Edward Snowden tiết lộ thông tin về việc Washington nghe lén cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Hai năm trước, Reuters đưa tin, ngoài việc nghe lén điện thoại của bà Merkel, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) còn bị cáo buộc do thám các quan chức cấp cao ở Thụy Điển, Na Uy, Pháp và Đức bằng cách sử dụng cáp thông tin của Đan Mạch.