Quốc Cường Gia Lai không đủ tiền hoàn trả cho bà Trương Mỹ Lan

Bản án sơ thẩm buộc Quốc Cường Gia Lai (QCG) phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty CP Island là hơn 2.882 tỷ đồng để thi hành nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan nhưng tại thời điểm ngày 30/6, QCG chỉ còn hơn 27 tỷ đồng tiền mặt nhưng tổng nợ vay lên tới hơn 434 tỷ đồng.

Tuần qua, VN-Index giảm 11,03 điểm, xuống còn 1.273,96 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 2,91 điểm, về mức 234,65 điểm.

Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 44,45 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 1.240 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng 189.800 đơn vị nhưng tổng giá trị là mua ròng gần 27 tỷ đồng.

Trên thị trường Upcom, khối ngoại bán ròng 185.120 đơn vị, giá trị bán ròng gần 7,1 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 4-6/9 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 44,82 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng hơn 1.220 đồng.

Quốc Cường Gia Lai và bà Trương Mỹ Lan

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) quyết định đưa cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Lý do được HoSE đưa ra là vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 là số âm. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, QCG ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lỗ hơn 15 tỷ đồng.

Quốc Cường Gia Lai gặp đang khó khăn lớn về tài chính.

Quốc Cường Gia Lai gặp đang khó khăn lớn về tài chính.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam sau khi kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2024 của QCG đã chỉ ra điểm nhấn mạnh.

Theo đó, ngày 11/4, TAND TPHCM đã ra bản án sơ thẩm buộc QCG phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty CP Island là hơn 2.882 tỷ đồng để thi hành nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan. Thế nhưng tại thời điểm ngày 30/6, QCG chỉ còn hơn 27 tỷ đồng tiền mặt nhưng tổng nợ vay lên tới hơn 434 tỷ đồng. Như vậy, quỹ tiền mặt của QCG nhỏ hơn nhiều so với số tiền phải trả cho Công ty CP Island.

Tương tự, HoSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo và kiểm soát đối với cổ phiếu SMC do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm ngày 30/6 là âm hơn 68 tỷ đồng và lợi nhuận nửa đầu năm 2024 tuy không âm nhưng vẫn còn lỗ lũy kế.

Đáng lưu ý, Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính bán niên năm 2024 của SMC chỉ ra: SMC ghi nhận tài sản ngắn hạn gần 3.305 tỷ đồng và nợ ngắn hạn gần 4.032 tỷ đồng. Như vậy, SMC đang sử dụng gần 727 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn trên 1 năm.

Lý giải về việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn và lỗ lũy kế hơn 68 tỷ đồng, SMC cho biết, điều này gây nên quan ngại về khả năng tạo tiền của công ty để thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn thanh toán. SMC tin rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà cung cấp và cá nhân bằng việc gia hạn thời gian trả nợ.

ITA tiếp tục bị nhắc nhở

HoSE vừa có văn bản nhắc nhở và đề nghị Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định về báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên năm 2024.

Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo chậm công bố báo cáo tài chính.

Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo chậm công bố báo cáo tài chính.

Theo đó, căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính, hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.

Trước đó, Công ty Tân Tạo có công văn đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE cho phép ITA tạm hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên năm 2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024.

Theo ITA, ngày 24/6, công ty đã có công văn phúc đáp văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để giải trình chứng minh lý do bất khả kháng nhưng đến nay Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước vẫn chưa phản hồi. Trong khi đó, HoSE vẫn ban hành quyết định vào ngày 9/7 về đưa cổ phiếu ITA vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 16/7.

Ngày 19/7, Công ty Tân Tạo đã có báo cáo tình hình khắc phục cổ phiếu ITA thuộc diện cảnh báo quý III và đề nghị đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo (lần 7); báo cáo tình hình khắc phục cổ phiếu ITA vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 16/7 và giải trình đề nghị hủy bỏ quyết định ngày 9/7 về việc đưa cổ phiếu ITA vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 16/7.

Trong tất cả các văn bản gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE, Công ty Tân Tạo khẳng định đã giải trình rất rõ và chi tiết lý do bất khả kháng mà suốt nhiều tháng nay, dù công ty đã nỗ lực hết sức, liên hệ làm việc và thuyết phục tất cả các đơn vị kiểm toán (30 công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán năm 2023) nhưng tất cả các công ty kiểm toán đều từ chối.

Nguyên nhân chính theo phía Công ty Tân Tạo là do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách kiểm toán 4 kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Công ty Tân Tạo các năm 2021, 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.

Tân Tạo cho rằng, việc đình chỉ tư cách kiểm toán này khiến cho tất cả các công ty kiểm toán khác đều sợ kiểm toán cho Tân Tạo cũng sẽ bị đình chỉ tư cách kiểm toán viên một cách tương tự.

Tân Tạo đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE cho phép công ty được tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên năm 2023 và báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 cho đến khi tìm được công ty kiểm toán và hoàn thành công việc kiểm toán.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quoc-cuong-gia-lai-khong-du-tien-hoan-tra-cho-ba-truong-my-lan-post1670877.tpo
Zalo