Quen mà lạ nồi lẩu cuối tuần có dựng dê
Lẩu dê là món ăn yêu thích của một số người trong thực đơn các món lẩu. Hôm nay, không phải phần thịt dê mọng nước ăn kèm lẩu mà chính là phần dựng dê đặc sắc.
Qua tìm hiểu, dựng dê là tên gọi khác của xương dê, tính từ khúc đầu gối trở xuống, gồm có xương, móng và đặc biệt nhất là cù lẳng. Cù lăng là phần đầu sụn ở phần xương ống dê, nơi có tỷ lệ thịt, gân và mỡ hài hòa. Chính vì vậy, bên cạnh lẩu thịt dê truyền thống, các quán dê có phục vụ thêm lẩu dựng dê (gồm cù lẳng).
Tương tự xương bò, xương dê cũng có mùi nồng đặc trưng nên phần sơ chế quan trọng, vừa tẩy mùi oi, vừa giúp món ăn thơm ngon hơn. Đặc biệt, người nấu còn dùng dụng cụ chuyên dụng khò xương bằng lửa để tạo độ cháy xém, xương dậy vị hơn.
Về nước lẩu, gồm hai phần là nước cốt và nước nêm nếm gia vị. Trong đó, nước cốt là nền tảng tạo nên nước dùng đặc sắc khi người nấu dùng chính dựng dê để hầm lấy nước. Tiếp đến, từ cốt nước này mà họ nêm nếm thêm gia vị để tạo thành nước lẩu.
Ngoài dựng dê, mọi người có thể gọi thêm thịt ba rọi dê, tủy dê hay lòng dê ăn kèm lẩu cũng rất bắt vị. Hầu như, các quán ăn đều chọn nước dùng lẩu vị thuốc bắc để dung hòa vị đặc trưng thịt dê. Phần rau củ vẫn gồm các loại rau thân quen như mồng tơi, cải bẹ xanh, rau má; sợi bánh ăn kèm có bún tươi, mì gói, mì sợi vàng hay hủ tiếu tùy chọn.
Đặc biệt, một số quán sử dụng nồi lẩu cù lao giúp món ăn luôn nóng, có hương vị đặc trưng riêng như kiểu lẩu cù lao miền Tây. Thức chấm kèm phù hợp là chao hoặc nước tương. Giờ trưa cuối tuần gần đến, mọi người có thể cùng người thân, bạn bè nhâm nhi món lẩu này để câu chuyện thêm rôm rả, ấm cúng.
Theo monanvungmien, amthucquanhta, shopeefood