Quê hương sau bao năm nhìn lại
Phú Yên vừa tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh nhà, hướng đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong niềm vui chung của dân tộc, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh Phú Yên quê hương mình sau bao nhiêu năm xây dựng và phát triển để càng thêm yêu mến, tự hào.
Một thời gian khó
Thế hệ chúng tôi sinh sau 1975, được sống và học tập trong cảnh nước nhà độc lập, non sông thống nhất, quê hương yên bình là điều rất may mắn, hạnh phúc. Tuy không còn cảnh bom rơi đạn nổ nhưng do hậu quả nặng nề của chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác, đời sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Từ một thị xã nhỏ hẹp với cơ sở hạ tầng xuống cấp, lạc hậu, sau mấy mươi năm xây dựng, Tuy Hòa đã khoác lên mình chiếc áo mới, trở thành một thành phố biển trẻ trung, xinh đẹp, hiện đại, văn minh. Ảnh: THANH NHÂN
Thời bao cấp, những đứa trẻ như tôi chưa hiểu gì nhiều, chỉ biết là muốn mua muối, dầu lửa, bánh xà phòng… đều phải mang “Sổ mua hàng” ra cửa hàng của HTX, rồi xếp hàng chờ đợi. Khi đó, hình ảnh quê hương trong tôi là những ngọn đèn dầu leo lét, những căn nhà tranh vách đất, những cánh đồng cỏ mọc nhiều hơn lúa, những người dân lam lũ sớm trưa, những sân kho chất đầy rơm rạ mục, những tiếng kẻng vang vang phát ra từ vỏ trái bom to bằng chiếc bình thủy để báo hiệu giờ đi làm của bà con xã viên hoặc họp đội sản xuất, những buổi tối chiếu phim màn ảnh rộng giữa sân trường, những phòng học thiếu bàn ghế và không có cánh cửa đóng lại khi mưa gió tạt, những con đường bùn đất lấm lem, những nồi cơm gạo hẩm ghé độn với khoai với bắp… Nghĩ lại, lòng bùi ngùi và càng nhớ thương quê một thời gian khó.
Năm 1986, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn và kịp thời đã giúp cả nước nói chung và quê tôi nói riêng dần khởi sắc, đời sống người dân dần cải thiện.
Kể từ ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập, tách ra từ tỉnh Phú Khánh (gồm Phú Yên và Khánh Hòa), diện mạo của quê hương tôi đã thay đổi rõ rệt, tốc độ phát triển khá nhanh.
Đổi thay từng ngày
Không chỉ dựa vào các con số thống kê, tôi nhìn sự thay đổi, phát triển của quê hương mình qua từng cánh đồng, từng con đường, từng cây cầu, từng ngôi trường, từng mái nhà, từng ánh mắt hay những tiếng cười ở quanh đây.
Đó là đồng lúa mướt xanh cho nặng quằn gié lúa. Đó là những nồi cơm không phải ghé sắn độn khoai. Đó là hết lo cảnh đói cơm mùa giáp hạt. Đó là những ngôi trường được xây mới bề thế, khang trang, sạch đẹp. Đó là các em học sinh quần áo tinh tươm, phương tiện đủ đầy, hân hoan đến lớp. Đó là điện lưới được kéo về thắp sáng muôn nơi, là những con đường bê tông kiên cố, những cây cầu vững chãi bắc qua sông…
Tất cả đều mang đến niềm vui vô bờ bến, như những cơn mưa ngọt ngào, những ngọn gió mát lành thổi qua quê hương, góp phần đánh thức tiềm lực, giúp hồi sinh những vùng quê cách trở, xa xôi của đất Phú.
Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của Phú Yên, TP Tuy Hòa, đô thị trung tâm, có bước chuyển mình mạnh mẽ nhất. Từ một thị xã nhỏ hẹp với cơ sở hạ tầng xuống cấp, lạc hậu, sau mấy mươi năm xây dựng, Tuy Hòa đã khoác lên mình một chiếc áo mới, trở thành một thành phố biển trẻ trung, xinh đẹp, hiện đại, văn minh.
Ai từng gắn bó với Tuy Hòa hoặc có dịp qua đây rồi trở lại, đều trầm trồ trước sự đổi thay ở đây, khác xưa rất nhiều. Những vùng cát hoang sơ ven biển ngày trước, nay được quy hoạch đồng bộ, hình thành các tuyến đường dọc theo bờ sóng, mở rộng sang phía Nam sông Đà Rằng, vừa tạo quỹ đất xây dựng công sở, nhà ở, trung tâm thương mại, vừa có thêm quảng trường, hồ nước, công viên vui chơi giải trí cho Nhân dân toàn tỉnh.
Vài năm nay, tháp Nghinh Phong là địa điểm rất nổi tiếng, được đông đảo bạn bè gần xa yêu thích, ghé tham quan. Tuy Hòa phát triển nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp yên bình, thân thiện, hài hòa giữa quê và phố.
Khu vực nông thôn và miền núi ở Phú Yên cũng được quan tâm, đầu tư đúng mức. Nhu cầu thiết yếu để phục vụ đời sống nhân dân như điện, đường, trường, trạm, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng được ưu tiên xây dựng.
Điều đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS càng vui mừng và vững tin vào Đảng, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, miền núi.
Bây giờ, đến các vùng quê nông thôn, miền núi Phú Yên, chúng ta có thể thấy những xóm nhà khang trang, những con đường bê tông bằng phẳng, điện đèn sáng rực muôn nơi, trẻ em đến trường, rộn ràng tiếng cười câu hát… Người dân được hưởng cuộc sống tự do, yên bình, ấm no, hạnh phúc.
Trong không khí những ngày tháng tư lịch sử xúc động và tự hào này, thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, các thế hệ cha anh chịu nhiều gian lao mà anh dũng đã viết nên những trang sử hào hùng của cả dân tộc. Tôi tự hào, biết ơn và nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với quê hương sau bao nhiêu năm nhìn lại!
Đất nước ta ngày càng giàu mạnh, Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tỉnh nhà ngày càng phát triển như hôm nay là thành quả của 50 năm mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Phú Yên chung sức, đồng lòng, ra sức dựng xây.
Xa hơn nữa là công lao to lớn, là xương máu của biết bao thế hệ tiền nhân đã kiên cường đấu tranh đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Mốc son ngày 1/4/1975 giải phóng Phú Yên và ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ còn sáng mãi muôn đời.