Quê hương nghĩa nặng tình sâu của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Nghe tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần, nhiều bà con ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ đã cùng nhau về chân núi Dông Bồ làm các việc cần thiết để đón người con ưu tú của quê hương.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh (giai đoạn 2000-2010) Nguyễn Đức Thọ (bìa trái) xem lại tấm ảnh được chụp cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh (giai đoạn 2000-2010) Nguyễn Đức Thọ (bìa trái) xem lại tấm ảnh được chụp cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Sáng 24/5, chúng tôi về xã Phổ Khánh, quê hương của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Ngay từ sáng sớm, tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Phổ Khánh đã có đông người hối hả làm việc. Ở giữa sân, một nhóm thanh niên đang kết vòng hoa để đặt dưới bàn di ảnh. Trong hội trường, bục dâng hương tưởng niệm được làm một cách hết sức trang nhã đã hoàn thành trong đêm.

Cũng trong hội trường, một đơn vị bộ đội đang chuẩn bị các nghi thức đón các đoàn vào đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm.

Trên con đường dẫn về núi Dông Bồ, người dân ở hai bên đường không ai bảo ai, đã tự nguyện vệ sinh đường sá sạch sẽ và tưới nước nhằm giảm khói bụi để chuẩn bị đón người con ưu tú của quê hương an nghỉ.

Trọn nghĩa vẹn tình

Nhiều lần được gặp nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Nguyễn Xu, nguyên cán bộ xã Phổ Khánh, nguyên Trưởng Ban quản lý xây dựng hồ thủy lợi Diên Trường, một công trình đặc biệt có ý nghĩa với người dân xã Phổ Khánh bồi hồi nhớ lại.

Những năm 1980, toàn bộ diện tích đất canh tác nông nghiệp của xã Phổ Khánh chủ yếu là sạ khô và nhờ nước trời nên năng suất lúa và các loại hoa màu đều hết sức bấp bênh, song địa phương vẫn chưa tìm được hướng giải quyết bài toán thủy lợi một cách căn cơ.

Trong một chuyến về công tác tại địa phương, đồng chí Trần Đức Lương lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ gợi ý: Để nâng cao năng suất lúa và hoa màu, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải chủ động nguồn nước tưới, chứ không thể mãi sử dụng nước trời. Riêng tại xã Phổ Khánh, chúng ta nên xây dựng hồ thủy lợi Diên Trường, lấy nguồn nước dồi dào từ thượng nguồn núi Chúa dẫn về hồ để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

 Ông Lê Trung Việt, nguyên Chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bồi hồi xúc động khi nghe tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Ông Lê Trung Việt, nguyên Chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bồi hồi xúc động khi nghe tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Từ sau gợi ý của đồng chí Trần Đức Lương, năm 1987, hồ Diên Trường được khởi công xây dựng.

Trong thời gian hơn 5 năm thi công hồ Diên Trường, đồng chí Trần Đức Lương nhiều lần đến tận công trình để thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ kỹ thuật, công nhân tham gia xây dựng công trình hăng say lao động, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hồ thủy lợi Diên Trường chính thức hoàn thành sau hơn 5 năm xây dựng, đưa nguồn nước về phục vụ nước tưới cho trên 300 ha đất canh tác của các cánh đồng Diên Trường, Phú Long, Trung Sơn, Vĩnh An.

Nhờ chủ động nguồn nước tưới, năng suất lúa và hoa màu của các cánh đồng này tăng lên cao gấp nhiều lần so với thời còn sử dụng nước trời. Từ đây xã Phổ Khánh đã chủ động được nguồn lương thực tại chỗ, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Nguồn nước hồ Diên Trường không chỉ đáp ứng cho sản xuất nông nghiệp mà còn tạo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trong xã, tạo điều kiện để cải tạo nhiều vườn tạp thành vườn kinh tế có giá trị cao, ông Nguyễn Xu tâm sự.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phổ Khánh Nguyễn Thị Hiển chia sẻ lần nào về thăm quê, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng căn dặn phải tập trung phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Xã Phổ Khánh có 4 thôn ven biển, song là biển bãi ngang, bà con từ xưa đến nay chỉ sử dụng ghe thuyền nhỏ để khai thác hải sản ven bờ, khiến nguồn lợi bị suy kiệt.

Biết được điều này nguyên Chủ tịch nước gợi ý, muốn phát triển kinh tế biển, đưa thủy sản trở thành kinh tế mũi nhọn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế thì phải hạn chế tàu thuyền có công suất nhỏ, khai thác ven bờ, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản. Thay vào đó bà con nên góp chung vốn để đóng tàu có công suất lớn, trang thiết bị đi biển hiện đại, đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày.

"Từ những gợi ý của bác Lương, những năm gần đây, ngư dân xã Phổ Khánh đã mạnh dạn đầu tư cải hoán và đóng mới tàu thuyền có công suất lớn. Hiện Phổ Khánh đã có đội tàu xa bờ gần 10 chiếc là lực lượng nòng cốt trong khai thác hải sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao," quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phổ Khánh Nguyễn Thị Hiển cho biết.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu

Nghe tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần, từ chiều 23/5, bà Lê Thị Hương ở thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ và nhiều bà con trong thôn đã cùng nhau về khu vực chân núi Dông Bồ cùng chung tay làm các phần việc cần thiết để đón người con ưu tú của quê hương.

"Nghe tin bác Trần Đức Lương ra đi, bà con trong thôn ai cũng bồi hồi xúc động, không cầm được nước mắt. Bác là Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc nhưng lần nào về thăm quê bác cũng đến thăm gia đình tôi. Mỗi lần ghé thăm bác đều động viên bà con đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Bác thăm sức khỏe bà con, tặng quà cho người cao tuổi, gia đình chính sách và trẻ em. Bà con trong thôn không ai quên được hình ảnh vị Chủ tịch nước hiền hậu, chất phác và gần gũi với mọi người" - bà Hương nghẹn ngào nói.

Theo chân một đơn vị bộ đội đến nơi nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi còn sống đã chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng, các đồng chí bộ đội cho biết, mấy ngày qua, không kể ngày đêm, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã huy động nhiều phương tiện máy móc, vật tư và nhân công để nâng cấp tuyến đường dài hơn 1,4km nối từ Quốc lộ 1A đến chân núi Dông Bồ.

Núi Dông Bồ là một chỏm núi cao, hai bên là hai dãy núi sừng sững trải dài như hai cánh tay rộng lớn của đất mẹ.

 Các tầng lớp nhân dân xã Phổ Khánh viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Các tầng lớp nhân dân xã Phổ Khánh viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Hiện tại các đơn vị bộ đội, cán bộ kỹ thuật ngành điện, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng khác đang tập trung thi công hoàn thành các phần việc theo phân công của Ban tổ chức để đón nguyên Chủ tịch nước về nơi an nghỉ cuối cùng một cách trang trọng nhất.

Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh Nguyễn Văn Thanh tâm sự lần nào vào thăm và làm việc với chính quyền địa phương, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng nhắc nhở anh em giữ gìn đoàn kết nội bộ, mọi việc từ dễ đến khó đều đem ra bàn bạc để tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động.

Có như vậy thì phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mới bền vững, mới khai thông được nhiều nguồn lực để đầu tư cho phát triển, đời sống của người dân được nâng lên.

"Những năm gần đây, sức khỏe yếu, bác ít về thăm quê, song dịp Tết nào bác Lương cũng gửi lời thăm hỏi bà con trong họ tộc, bà con xóm giềng và gửi quà Tết cho các bậc cao niên. Bằng những việc làm cụ thể, những lời động viên chân thành, ấm áp, những gợi ý sâu sắc về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tiếp sức mạnh để Phổ Khánh không ngừng phát triển về mọi mặt," Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh Nguyễn Văn Thanh chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/que-huong-nghia-nang-tinh-sau-cua-nguyen-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-post1040462.vnp
Zalo