'Quê hương Địa Đạo' là tác phẩm văn học tiêu biểu của TP.HCM

Sáng tác của nhà văn Viễn Phương góp mặt trong danh sách 50 tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu của TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Sáng 25/4, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM công bố danh sách 50 tác phẩm tiêu biểu thuộc các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học có ý nghĩa đặc biệt với lịch sử xây dựng và phát triển thành phố; hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

 7 tác phẩm trong danh sách 50 tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu của TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

7 tác phẩm trong danh sách 50 tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu của TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

7 tác phẩm văn học lọt vào danh sách bao gồm truyện ký Quê hương Địa Đạo (Viễn Phương), tập truyện ngắn Bàn thờ tổ của một cô đào (Nguyễn Quang Sáng), tập bút ký Ở R - Chuyện kể sau 50 năm (Lê Văn Thảo), truyện dài Mắt biếc(Nguyễn Nhật Ánh) và tập thơ Thì thầm với dòng sông (Hoài Vũ), tập sách Học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đoàn kết dân tộc (TS Trần Thanh Pôn chủ biên), tập sách Người Chăm với Bác Hồ (Chi hội Văn học nghệ thuật dân tộc Chăm, TS Phú Văn Hẳn chủ biên).

Xuất bản năm 1981, Quê hương địa đạo là tập truyện và ký của nhà văn Viễn Phương, tái hiện cuộc sống chiến đấu và sinh hoạt của quân dân tại vùng đất thép Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm khắc họa tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và sự hy sinh của con người nơi đây giữa những năm sống trong lòng địch, đối mặt với bom đạn khắc nghiệt.

Bàn thờ tổ của một cô đào là tập truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng xoay quanh chủ đề tín ngưỡng sân khấu. Truyện Bàn thờ tổ của một cô đào kể về một công nhân hậu đài chuyên hỗ trợ cô đào chánh trong tiết mục phi thân. Sau một tai nạn, anh qua đời, để lại cô đào khôn nguôi tưởng nhớ chàng trai trên bàn thờ cúng. Tác giả từng chia sẻ truyện lấy cảm hứng từ một chuyện có thật, do nghệ sĩ Ba Xây kể.

Được nhà văn Lê Văn Thảo viết trong những năm tháng cuối đời, Ở R - Chuyện kể sau 50 năm phản ánh cuộc sống và chiến đấu của người dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. R là tên gọi tắt của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, đóng ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh giáp biên giới Campuchia.

Ra mắt năm 2023, Thì thầm với dòng sông của nhà thơ Hoài Vũ viết về những kỷ niệm và tình yêu, sự gắn bó mà ông có với dòng sông Vàm Cỏ Đông.

Xuất bản năm 1990, Mắt biếc là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, kể về mối tình đơn phương của nhân vật Ngạn dành cho cô bạn thanh mai trúc mã Hà Lan. Tác phẩm được đánh giá cao và đã được chuyển thể thành phim điện ảnh. Nguyễn Nhật Ánh (sinh năm 1955) là nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết về tuổi học trò và tuổi mới lớn, được đông đảo bạn đọc yêu mến.

Học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đoàn kết dân tộc gồm 8 chương giới thiệu quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là công tác kêu gọi, thực hiện việc đoàn kết các tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Người Chăm với Bác Hồ tập hợp những bài viết, những câu chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác gắn với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/que-huong-dia-dao-la-tac-pham-van-hoc-tieu-bieu-cua-tphcm-post1548706.html
Zalo