Quay cuồng trong cơn khát cát: Cát tặc hoành hành, bãi cồn teo tóp

Sạt lở đang bủa vây vựa lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nguyên nhân có nhiều, như biến đổi khí hậu, nước và phù sa sông Mê Kông về hạ du giảm, nước biển dâng, xây dựng chất tải lên nền đất yếu, khai thác nước ngầm và cát quá mức...

Dù nguy cơ như vậy, vùng ĐBSCL lại đối mặt yêu cầu nguồn cát san lấp rất lớn cho các công trình hạ tầng, kinh tế. Thiếu cát xảy ra nhiều nơi trong hơn 1 năm qua, ảnh hưởng tiến độ không ít dự án trong vùng đòi hỏi phải có giải pháp thay thế để vừa phát triển vừa bảo vệ hệ sinh thái.

Bờ cồn Kiến ở giữa sông Cổ Chiên (giáp Bến Tre và Vĩnh Long) sạt lở nghiêm trọng, nhiều cây lớn trồng nhiều năm trên cồn bị sạt lở kéo xuống sông chỉ trơ ngọn trên mặt nước. Ảnh: Hòa Hội

Bờ cồn Kiến ở giữa sông Cổ Chiên (giáp Bến Tre và Vĩnh Long) sạt lở nghiêm trọng, nhiều cây lớn trồng nhiều năm trên cồn bị sạt lở kéo xuống sông chỉ trơ ngọn trên mặt nước. Ảnh: Hòa Hội

Sống trên bãi cồn bồi lắng, người dân được thu hái những lợi thế do thiên nhiên ban tặng, cây xanh trái ngọt quanh năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều cồn bãi khu vực ĐBSCL đang teo tóp dần do sạt lở, người dân mất đất mất nhà, một phần vì nạn khai thác cát trái phép.

Mất đất, mất nhà

Nửa đêm một ngày tháng 7/2024, giữa sông tối om, chỉ nghe tiếng máy nổ xình xịch xé toạc sự yên tĩnh, đó là tiếng máy hút cát trộm trên sông Cổ Chiên. Nhận tin báo có “cát tặc” đang hoạt động, Công an xã An Phước (Mang Thít, Vĩnh Long) cùng anh Nam - người dân địa phương (tên nhân vật đã thay đổi) mật phục bắt 1 sà lan đang hút trộm cát đoạn sông đầu cồn Kiến (thuộc thủy phận xã Tân Thiềng, Chợ Lách, Bến Tre).

Sau khi bắt quả tang, công an huy động thêm hơn chục người đến hiện trường hỗ trợ, quanh vị trí tàu hút cát trộm bị bắt cũng có vài đối tượng lạ chạy tàu ra vây quanh. Lực lượng chức năng phải mất gần 5 giờ đồng hồ mới lập xong biên bản, cưỡng chế đưa tàu của “cát tặc” về khu vực tạm giữ, bảo vệ những người dân đã báo tin, vì các đối tượng có thể đâm chìm ghe người báo tin xem như vụ tai nạn đường thủy trong đêm.

Theo lực lượng công an địa phương, cát tặc trước khi hoạt động sẽ có đối tượng đi trước cảnh giới, canh phòng lực lượng chức năng và ngăn cản người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công an huyện Mang Thít bắt quả tang khoảng chục vụ hút cát trộm, trong đó riêng Công an xã An Phước bắt 6 vụ.

Bà con cồn Sơn gia cố bờ bao ngăn sạt lở phía đầu cồn phía thượng lưu vào đầu tháng 6/2024

Bà con cồn Sơn gia cố bờ bao ngăn sạt lở phía đầu cồn phía thượng lưu vào đầu tháng 6/2024

Lấy ghe chở chúng tôi 1 vòng quanh cồn Kiến nằm giữa sông Cổ Chiên (tiếp giáp Bến Tre - Vĩnh Long), anh Nam chỉ những ngọn cây nổi giữa dòng nước và nhớ lại cồn này xưa rộng trên 30ha, trải dài về phía thượng nguồn hơn 1km so với cồn hiện hữu. Xưa kia, dù có thời điểm bên lở bên bồi, nhưng cồn vẫn ngày càng rộng thêm. Anh Nam là đời thứ 3 khai phá và làm kinh tế trên cồn. Đất cồn Kiến được phù sa bồi đắp, cây trái tươi tốt quanh năm. Tuy nhiên, khoảng chục năm gần đây, nạn hút cát trộm hoành hành, gây sạt lở, mỗi năm vài chục mét đất cả 4 bên cồn bị kéo sụp xuống sông. Do sạt lở, hiện cồn chỉ còn rộng khoảng 10ha.

Năm 2009, căn nhà trên cồn Kiến từ thời ông anh Nam để lại cũng bị sạt lở kéo gọn xuống sông, gia đình phải chuyển về bờ sinh sống. Dải đất nhỏ còn lại trên cồn vẫn canh tác, nhưng nó cứ teo tóp dần theo con nước. “Đất của gia đình tôi khai phá trước cây xanh tốt, nằm gần giữa cồn, giờ ra sát mép sông và cũng chỉ còn lại một phần, phần đất của các nhà khác phía ngoài rìa giờ đã mất hết. Nếu cát tặc hút trộm như thế này, chỉ vài năm nữa cồn Kiến sẽ biến mất. Đêm nào tôi cũng canh “cát tặc”, không đêm nào ngủ trọn giấc, nghe tiếng máy hút cát là báo công an, nhưng chúng còn biết ngày nào tôi bận không canh để lộng hành”, anh Nam nói.

Cách nhà anh Nam vài trăm mét, ông L.V.T có 1,3 ha đất trên cồn Kiến, bám trụ cồn này hơn 30 năm, những năm gần đây cũng sạt lở liên tục dù ông đã đầu tư không ít tiền để gia cố. “Trước chúng còn hút cát trộm ở giữa sông, giờ chúng chạy rần rần đưa vòi hút sát mép cồn, làm sụp đất xuống sông, nhà với đất của tôi cũng không biết trụ được tới lúc nào”, ông T buồn bã.

Từ cuối năm 2023 tới nay, nhiều địa phương vùng ĐBSCL phải công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở, sụt lún. Mới nhất, ngày 29/7, UBND tỉnh Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ kênh La Ghì, đoạn qua xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. Trong tháng 6, tỉnh này cũng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Măng Thít, đoạn xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm.

Tại Trà Vinh, ngày 26/7, UBND tỉnh Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu qua xã Ninh Thới và Hòa Tân (huyện Cầu Kè). Tháng 11/2023, tỉnh này cũng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ kè biển xã Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải).

Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán, sụt lún tại huyện Trần Văn Thời và U Minh; tỉnh Kiên Giang công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở, sụt lún tại vùng đệm U Minh Thượng. Cuối năm 2023, tỉnh Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển huyện Ba Tri, sạt lở bờ sông Giao Hòa (huyện Châu Thành).

Nhóm PV ĐBSCL

Nơm nớp lo sợ

Tại TP Cần Thơ, sáng sớm đầu tháng 6/2024, xảy ra vụ sạt lở đê bao ở đầu cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy). Nhận được tin báo, bà con trên cồn kéo tới cùng gia cố. “Nếu vỡ bờ bao này là ao cá bên trong cũng thành sông, rồi trụ dẫn điện lưới từ đất liền ra cồn cũng lâm nguy”, ông Lý Văn Bon (còn gọi Bảy Bon đã sống trên cồn Sơn hơn 30 năm) nói.

Ông Bảy Bon cho biết, cồn Sơn (giữa sông Hậu, tiếp giáp Cần Thơ - Vĩnh Long) hiện rộng khoảng 100ha với trên 65 hộ dân sinh sống, đa số phát triển theo hướng sinh thái để khai thác du lịch. Ông Bảy Bon nhớ lại 30 năm trước khi mới đặt chân lên cồn Sơn, cồn rộng lắm, trải dài từ cửa sông Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) - cách vị trí cồn hiện tại gần 4km. Tuy nhiên, do sạt lở, đất cồn cứ sụt dần xuống sông, nay nhiều hộ không còn đất trên cồn Sơn phải vào bờ kiếm kế sinh nhai. “Nếu tình trạng sạt lở tiếp tục theo tốc độ hiện nay, khoảng 20 năm nữa cồn Sơn sẽ biến mất”, ông Bon nói.

Bờ cồn Sơn trên sông Hậu (giữa Cần Thơ - Vĩnh Long) sạt lở, làm diện tích thu hẹp. Ảnh: Hòa Hội

Bờ cồn Sơn trên sông Hậu (giữa Cần Thơ - Vĩnh Long) sạt lở, làm diện tích thu hẹp. Ảnh: Hòa Hội

Những năm gần đây, theo lời ông Bon, sạt lở rất bất thường, trước sẽ đầu cồn lở cuối cồn bồi, hoặc mé cồn phía Vĩnh Long lở thì phía Cần Thơ bồi hoặc ngược lại. Tuy nhiên, gần đây lở cả 4 bên với tốc độ tăng dần, không theo quy luật tự nhiên. Quanh bờ cồn Sơn hiện có nhiều “hàm ếch”, lòng sông sâu, có thể sạt lở bất kể khi nào.

Mé nhà ông Nguyễn Thành Tâm phía đầu cồn Sơn (phía thượng nguồn) mới ít ngày trước vừa sạt lở. Ông Tâm kể, cha ông năm nay 88 tuổi, là 1 trong những người đầu tiên sang khai hoang, lập nghiệp ở cồn này. Ông Tâm bảo, giờ không biết khi nào sạt lở đến nhà mình.

Người dân lấy ghe chở chúng tôi một vòng quanh cồn Sơn thị sát, thấy không ít đoạn sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, đoạn cuối cồn Sơn giờ không còn như xưa. Trước, cuối cồn phía hạ du là bồi lắng phù sa, giúp đất cồn rộng thêm. Tuy nhiên, vài năm nay cuối cồn Sơn cũng sạt lở ăn sâu vào trong mấy trăm mét thành bờ dựng đứng.

(Còn nữa)

HÒA HỘI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quay-cuong-trong-con-khat-cat-cat-tac-hoanh-hanh-bai-con-teo-top-post1662898.tpo
Zalo