Quật khởi bóng đá Indonesia
Đêm 19/11/2024, tại lượt trận thứ 6, vòng loại thứ ba vòng chung kết World Cup 2026 khu vực châu Á, đội tuyển bóng đá Indonesia đã thi đấu một trận đầy quả cảm, quật khởi trên sân nhà Gelora Bung Karno (Jakarta) trước một đối thủ được đánh giá cao hơn họ nhiều là Saudi Arabia. Kết quả, thầy trò huấn luyện viên (HLV) Shin Tae-yong đã giành thắng lợi với tỷ số 2-0, qua đó trở thành tâm điểm của toàn lục địa vàng trong lượt đấu cuối dành cho các đội tuyển quốc gia năm 2024.
Trước khi bước vào trận đấu gặp Saudi Arabia, dẫu vẫn còn nguyên cơ hội tham dự vòng loại thứ tư khu vực châu Á hay cao hơn là tấm vé dự vòng chung kết World Cup 2026 thì đội bóng xứ Vạn Đảo đã có những áp lực nhất định. Áp lực ấy đến từ trận thua Nhật Bản tới 0-4 trước đó nửa tuần lễ (ngày 15/11/2024). Một áp lực nữa đè nặng lên đội tuyển Indonesia và cả một nền bóng đá là chính sách nhập tịch cầu thủ.
Thực ra, chuyện nhập tịch cầu thủ ở thời đại toàn cầu hóa không có gì bất thường và Indonesia không phải làng bóng đầu tiên trong khu vực thực hiện chính sách này. Trước Indonesia, Singapore là đội tuyển ở khu vực Đông Nam Á tiên phong “mở cửa” cho các ngoại binh. Thành tích mà họ đạt được là 2 chức vô địch AFF Suzuki Cup (2004, 2007). Sau Singapore có Philippines. Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam dưới HLV Calisto cũng từng sử dụng những “ông Tây” mang quốc tịch ta như Phan Văn Santos và Kesley Huỳnh Alves (gốc Brazil); Đinh Hoàng Max (gốc Nigeria), Đinh Hoàng La (gốc Ukraine)... Có điều, chưa đội tuyển nào trong khu vực dùng cầu thủ nhập tịch mang tính toàn diện, triệt để như Indonesia (đến nỗi đội tuyển Indonesia được gọi là “đội tuyển Hà Lan 2.0”). Cũng chưa đội tuyển Đông Nam Á nào đứng trước cơ hội có thể được tham gia sân chơi World Cup như thầy trò ông Shin Tae-yong.
Dùng cầu thủ nhập tịch toàn diện, triệt để, đội tuyển Indonesia bỗng chốc vươn vai đứng dậy. Họ lần lượt cầm chân Saudi Arabia (1-1, lượt đi), Australia (0-0); hòa trên chân Bahrain (2-2). Trong trận lượt về gặp “người khổng lồ Tây Á”, được chơi trên sân nhà, các cầu thủ Indonesia còn thi đấu xuất sắc hơn trận lượt đi. Bất chấp thực tế các vị khách được xếp ở “chiếu trên”, tất cả học trò của ông Shin Tae-yong đã nhập cuộc với lối chơi chặt chẽ, lăn xả... trong đó tiền đạo mới 20 tuổi Marselino Ferdinan có tới 2 lần sút tung lưới đối phương: Phút 32, Indonesia tấn công nhanh từ biên trái, Marselino phối hợp với Ragnar Oratmagoen trước khi tung cú sút đẹp mắt vào góc cao khung thành Saudi Arabia; sang hiệp 2, phút thứ 57, vẫn Marselino, sau một pha phản công nhanh, tiền đạo này tận dụng sai lầm của hàng thủ đội khách, kịp thời dứt điểm bồi và lốp bóng qua thủ môn Al Kassar để nới rộng khoảng cách, giúp các cầu thủ Indonesia tự tin hơn trong thời gian còn lại của trận đấu. Những phút cuối, dù bị Saudi Arabia dồn ép “đến nơi đến chốn” (đội khách kiểm soát bóng tới 74% trong hiệp 2, có lần đã sút bóng dội xà ngang đội chủ nhà), thậm chí đến phút 89, một cầu thủ Indonesia là Justin Hubner đã bị nhận thẻ đỏ, truất quyền thi đấu... thầy trò ông Shin Tae-yong vẫn bảo vệ được thành quả của mình để tạm thời đứng thứ 3 bảng đấu - một vị trí đủ để đi tiếp!
Chiến thắng quật khởi của Indonesia trước Saudi Arabia không chỉ có ý nghĩa về mặt điểm số mà còn đem lại cho làng bóng nước này những giá trị tinh thần to lớn. Trước hết, đó là thành tích tốt nhất mà một đội bóng Đông Nam Á làm được ở vòng loại thứ ba của một kỳ World Cup khu vực châu Á. Trước Indonesia, đội tuyển Thái Lan chỉ có 2 điểm ở vòng loại thứ ba World Cup 2018. 4 năm sau, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo có khá hơn tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 với 4 điểm nhưng thành tích của cả đội tuyển Thái Lan và Việt Nam cộng lại mới bằng Indonesia ở thời điểm hiện tại. Mà Indonesia hoàn toàn có thể nâng cao thành tích này hơn nữa vì họ vẫn còn 4 trận chưa đấu. Thứ hai, chiến thắng của thầy trò ông Shin Tae-yong đem lại niềm tin và hy vọng lớn cho cả một làng cầu. Cơ hội tham gia World Cup 2026 với người Indonesia vẫn còn nguyên, nhất là khi họ còn 2 trận sân nhà gặp Bahrain và Trung Quốc - những đối thủ còn “dễ chịu” hơn Saudi Arabia. Thứ ba, đó là sự đúng đắn của hướng đi nhập tịch cầu thủ. Với chủ trương nhập tịch toàn diện và triệt để, người Indonesia đã đi thẳng từ vùng trũng Đông Nam Á đến nhóm đầu châu lục - điều mà không phải làng bóng nào cũng làm được.
Rõ ràng, chiến thắng quật khởi của đội tuyển bóng đá Indonesia chưa phải là tất cả nhưng đã để lại nhiều bài học quý cho các làng bóng trong khu vực!