Quảng Trị lên phương án di dời dân ứng phó bão lũ thế nào?
Quảng Trị đã lên phương án sơ tán dân để ứng phó bão lũ với 5 vùng trọng tâm.
Cầu tràn quốc lộ 15D ngập khoảng 50cm
Chiều 18/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa có báo cáo về tình hình triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Đáng chú ý, tại các xã A Bung, Tà Rụt, A Vao (huyện Đắk rông), lượng mưa phổ biến từ 90-120mm làm ngập các tràn Tà Rụt - A Ngo.
Cầu tràn Đắkrông trên tuyến quốc lộ 15D nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây lên cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đắkrông) đang bị ngập khoảng 50cm, không cho phương tiện qua lại.
Dự báo, từ ngày 18/9-20/9, ở khu vực Quảng Trị có mưa to đến rất to, tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Cồn Cỏ, thị xã Quảng Trị, TP Đông Hà, lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 350mm. Các huyện Hướng Hóa, Đắkrông lượng mưa phổ biến từ 120-220mm, có nơi trên 300mm.
Tổng số tàu thuyền của tỉnh hơn 2,2 ngàn chiếc với gần 6 ngàn thuyền viên, đã 100% đang neo đậu tại các tỉnh như Phú Yên 1 chiếc với 9 thuyền viên, tại tỉnh Ninh Thuận 3 chiếc với 26 thuyền viên và tại tỉnh Quảng Bình 1 chiếc với 7 thuyền viên.
Tàu thuyền ngoại tỉnh đang neo đậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị 72 chiếc với hơn 500 thuyền viên; trong đó tàu đánh cá 56 chiếc với; tàu chở hàng 12 chiếc, tàu đường thủy nội địa 4 chiếc.
Lên phương án sơ tán dân ứng phó với bão lũ, sạt lở đất
Đáng chú ý, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến của áp thấp nhiệt đới và dự báo hoàn lưu gây mưa lớn áp dụng phương án ứng phó khi áp thấp nhiệt đới/bão đổ bộ (Cấp độ 3) địa bàn tỉnh, được chia thành 5 vùng trọng tâm.
Theo đó, vùng trực tiếp bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; Vùng ngập sâu ở trên các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu, Sê Pôn; Vùng lũ quét ở Hướng Hóa, Đakrông, gò đồi ở Cam Lộ; Vùng sụt lún, sạt lở đất ở Cam Lộ, ĐaKrông, Hướng Hóa; Vùng ngập cục bộ ở Hướng Hóa, Đắkrông, Cam Lộ.
Ở các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng, chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trụ sở UBND, trạm Y tế, Đồn Biên phòng, nhà cộng đồng...
Đối với sơ tán dân tránh áp thấp nhiệt đới/bão cấp độ 3, số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh bão của 4 huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ hơn 9,5 ngàn hộ với 30 ngàn nhân khẩu.
Trong đó, ưu tiên phương án di dời khẩn cấp khoảng 1,5 ngàn hộ với gần 4,5 ngàn nhân khẩu bị ảnh hưởng của các xã ven biển (Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh) và huyện đảo Cồn Cỏ.
Về sơ tán dân tránh lũ, đối với kịch bản sơ tán, di dời dân tránh lũ trên báo động 3, số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh ngập lũ trên báo động 3 trên toàn tỉnh hơn 14 ngàn hộ với hơn 53.000 nhân khẩu.
Đối với kịch bản sơ tán, di dời dân tránh lũ trên báo động 3 + 1m, số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh ngập lũ trên báo động 3 + 1m trên toàn tỉnh hơn 20 ngàn hộ với gần 70 ngàn nhân khẩu.
Đối với kịch bản sơ tán, di dời dân tránh lũ trên lũ lịch sử, số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh ngập lũ trên lũ lịch sử gây mưa lớn trên toàn tỉnh gần 27 ngàn hộ với gần 103 ngàn nhân khẩu.
Về sơ tán dân tránh lũ quét, sạt lở đất, đối với kịch bản sơ tán, di dời dân vùng xảy ra lũ quét, tổng số hộ dân cần sơ tán, di dời là 2,4 ngàn hộ với gần 10 ngàn nhân khẩu tại 36 xã thuộc 5 huyện: Hướng Hóa, Đắkrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị, TP Đông Hà.
Đối với kịch bản sơ tán, di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất, tổng số hộ dân cần sơ tán, di dời là gần 1,3 ngàn hộ với gần 6 ngàn nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đắkrông, Gio Linh, Vĩnh Linh.
Đồng Nai mưa từ sáng đến đêm, cảnh báo lũ quét và sạt lở
Ngày 18/9, theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, địa bàn tỉnh đang có mưa diện rộng, mưa vừa, mưa to và dông, có nơi có mưa rất to với lượng phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 110mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm). Theo dự báo, đợt mưa này có khả năng kéo dài đến hết ngày 20/9.
Đồng Nai mưa gió từ sáng đến đêm, mưa liên tục gây khó khăn cho người dân khi ra đường.
Đặc biệt đêm 17 đến sáng 18/9 lượng mưa đo được tại Đak Lua là 147mm, Tà Lài 42mm, Xuân Lộc 30mm, Trảng Bom 26mm, Bàu Hàm 30mm, Long Thành 35mm, Phước Bình 50mm, Phú Thạnh 30mm…
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, do ảnh hưởng gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh kết hợp với ảnh hưởng của rìa phía Nam nối với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông nên trời nhiều mây, có mưa vừa đến mưa to và dông nhiều nơi. Lượng mưa từ chiều 18/9 đến 19/9 phổ biến trên địa bàn tỉnh từ 30-60mm, có nơi trên 80mm.
Ông Huy khuyến cáo đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị, những khu vực ven sông. Đề phòng trong mưa xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
Ngoài ra Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai còn cảnh báo khu vực sông La Ngà có khả năng xảy ra lũ. Do đó, huyện Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú đều đã chủ động có các phương án đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ven sông La Ngà.