Quảng Trị làm sao quên!
Đã định ăn Tết Hà Nội trọn vẹn, sáng mồng Một Tết 2025, nhớ nhà quá, tôi lên xe khách về Hà Tĩnh. Vắng khách, tôi yêu cầu người lái xe mở cho nghe một bài hát về quê hương. 'Cháu cho chú nghe bài này nhé, hay lắm. Nghệ sĩ Bạch Trà hát'.
Nếu một mai phải xa Quảng Trị
Tôi sẽ mang theo nắm đất quê hương
Đêm Gio Linh sáng ngời bóng mẹ
Gối đầu con bên đồn giặc năm xưa
Để ánh sao rơi thành dòng nước mắt...
...Nếu một mai phải xa Quảng Trị
Tôi sẽ mang theo gió cát Hải Lăng
Hoa yêu thương trên đồi vẫn nở
Như nghĩa tào khang chồng vợ Đông Hà
Cam Lộ ghi sâu tình người với đất.
Tôi đã từng nghe anh Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam hát bài hát này một đêm tháng Tư hòa bình bên sóng Cửa Tùng và cùng rưng rưng nhớ về những năm tháng chiến tranh, nhớ lại những tên đất, tên làng Quảng Trị; mỗi cái tên là một nỗi đau máu chảy; một tình dân sâu nặng không bao giờ nói cùng, trả hết.
Lần này nghe mênh mang, thắt ruột như một lời chia biệt, như là phải xa Quảng Trị thật rồi trong một cuộc đổi dời biển dâu biến cải!
Nhà thơ Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan) quê làng An Xuân, xã Cam An, Cam Lộ yêu Quảng Trị một cách thắt ruột. Không thể nói ai yêu quê hơn ai, vì “quê hương mỗi người chỉ một”. Nhưng không biết Chế Lan Viên khác hay Quảng Trị khác mà cứ nhớ về quê, về mẹ là tôi lại ám ảnh bởi những câu thơ dân dã, gan ruột của ông. Từ “bóng ma Hời sờ soạng những đêm mơ”, đến “tiếng gió mù trời chen tiếng súng”, ông đã vẽ nên một Quảng Trị thật khác biệt.
Quảng Trị với chiến tranh không dứt, với “Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/Những đồi sim không đủ quả nuôi người” giống như một mảnh khăn rách tướp, cháy sém, lỗ chỗ mảnh bom đạn bay phần phật trong gió Lào, vắt ngang mình đất nước, reo lên nỗi khổ đau bất hủ.
Tôi được nghe nhà báo Phan Quang kể nhiều về thời ông và Chế Lan Viên cùng làm báo Cứu Quốc Liên khu IV ở Nghệ An năm 1947. Ông Chế Lan Viên nổi tiếng từ trước cách mạng; ông Phan Quang mới bước vào nghề. Vì cùng Quảng Trị, ông Chế Lan Viên quý ông Phan Quang như em và tình cảm ấy vẫn nồng cay như tiêu Cùa đến cuối Viên Tĩnh Viên. Phan Quang kể cho Chế Lan Viên cái buổi cha ông mặc đồ trắng tiễn con trong đêm, một là làm cột tiêu cho con, hai là nếu bị giặc phát hiện thì sẽ bắn vào người áo trắng trước, con biết cách mà chạy.
Lúc đó, Quảng Trị đã là vùng tạm chiếm, Thanh Nghệ Tĩnh còn là vùng tự do. Chế Lan Viên cho Phan Quang xem bức thư gửi về nhà mà Phan Quang ngỡ những dòng mực ấy là dòng máu của mình: “Cha mẹ ta chạy về đâu? Nhất là cha ta, mỗi lần lại hốt hoảng. Tội biết mấy, hở trời... Hình ảnh của mẹ cha ta lẫn vào hình ảnh của dân tộc, đất nước. Bao giờ ngày độc lập đến cho những cuộc đời tăm tối của bao bà mẹ Việt Nam hửng lên một chút vui mừng mà họ mong đợi xưa nay trong bụi cát rơm rạ...”.

Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: T.L
“Tội biết mấy, hở trời” – câu nói ấy có thể đúng với mỗi tên người, tên làng Quảng Trị. Thế mà cái khăn rách tướp, lỗ chỗ vết bom đạn ấy không mất đi, không tiêu tan. Nó lại thành chất keo gắn chặt hai miền đất nước; neo mãi, chuốt mãi một hồn Việt sáng ngời. Những năm kháng chiến chống Mỹ, quê tôi đón nhiều học sinh K 8.
Sau này tôi được sống với nhiều người Quảng Trị ở đại học, trong quân ngũ và trên mọi bước đường đời; tôi thấy không lời nói của người Quảng Trị nào là không đáng tin. Trong cái hiền lành, mộc mạc là một sự kiên cường vô giới hạn, không điều gì có thể khuất phục; là một sự thủy chung trước sau như một. Và một văn hóa bản địa rất cơ bản, một văn hóa sinh ra mọi văn hóa mà Chế Lan Viên đã thể hiện rất tài tình qua hình ảnh của người mẹ trong bài “Mẹ dân dã”:
Hồn thơ con chính mẹ đem cho
Mẹ dân dã câu Kiều chẳng biết
Khi rón rén đến gần trang viết
Mẹ thêm dầu sợ bấc đèn lu...
***
Cả tuổi thơ tôi thuộc về kháng chiến, thuộc về Quảng Trị. Bài hát được nghe đầu tiên, bên lời ru của mẹ, bài hát đi suốt cuộc đời là Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Là một người con Long Xuyên, Nam Bộ tập kết ra Bắc, năm 1956, từ Bến Hải trông về Nam, lòng ông quặn thắt nỗi nhớ quê.
Rồi ông gặp một người con Quảng Trị, anh bộ đội Phan Đình Đồng quê Gio Linh, chiều nào cũng đứng bên sông ngóng người vợ bên kia giới tuyến. Cả hai người quê Nam nên tâm tình là một, lời bài hát được cất lên tự nhiên theo hiện thực : “Bên ven bờ Hiền Lương/ Chiều nay ra đứng trông về/ Mắt đượm tình quê/ Ôi mắt đượm tình quê...”.
Vậy đó, miền Nam bắt đầu từ Quảng Trị; mọi khát khao thống nhất cũng bắt đầu từ Quảng Trị. Cũng thời gian ấy, Tế Hanh, một người con Quảng Ngãi có bài thơ Trò chuyện với sông Hiền Lương hóa thành dòng sông này mà nói:
Tôi chảy ngày đêm không nghỉ
Hai bờ Nam Bắc nhìn đau
Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị
Tận chân trời mây núi có chia đâu...
“Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”, từ đấy trở nên thành ngữ, từ đấy mỗi lần qua đây, tôi lại ngước nhìn trời để thấm hơn nỗi đau sâu và một tin yêu xanh thắm.
Dì tôi lấy chồng tập kết. Sau giải phóng, dì về quê chồng, làng Nhan Biều, Triệu Thượng. Tôi đã từng theo dì đi đò dọc trên sông Thạch Hãn khi xuôi chợ thị xã, khi ngược Bến Trấm, Ba Lòng để tìm về một thời chống Pháp Đò em lên xuống Ba Lòng rất nổi tiếng trong bài thơ của nhà thơ Nguyễn Lương An. Sông La quê tôi xanh mềm như dải lụa. Thế mà Thạch Hãn còn xanh hơn.
Có lần tôi đã hỏi về cô lái đò năm 1948 để làm tư liệu văn học, mỗi người kể một khác, sau tôi mới hiểu rằng, người kháng chiến Quảng Trị đâu chỉ một. "Tây lên mấy chuyến Ba Lòng/ Đò em nhận nước cũng chừng ấy phen/ Tây về em lại kéo lên/ Đêm đêm cứ ngược xuôi miền chiến khu...". Người Quảng Trị gan góc, một lòng theo cách mạng là thế. Có thế mới trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Có nơi đâu như Bình Trị Thiên khói lửa người Pa Cô, Vân Kiều đều nhất loạt lấy tên Bác Hồ làm họ của mình?
Có thể một ngày tôi ở Thạch Hãn, Lê Bá Dương cũng ở đó, nhớ bạn, thương bạn mà có bài thơ nổi tiếng “Lời người bên sông”:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

Hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn - Ảnh: T.L
Lê Bá Dương nhớ bạn. Tôi nhớ các anh tôi!
Tôi có người anh liền kề vào cuối năm 1971 là Nguyễn Sĩ Đường cùng có hai giấy gọi. Một giấy đi công nhân ở Cộng hòa dân chủ Đức dành cho con em gia đình có công với cách mạng. Một giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Bởi chị gái tôi đang là bộ đội Đoàn 559, anh có thể đi nước ngoài. Đi nước ngoài ngày ấy, nhất là đi Đức, là một may mắn to lớn, là cơ hội làm giàu có thể đổi đời cả một gia đình. Nhưng anh chọn con đường nhập ngũ. “Nếu anh không đi, em sẽ phải đi, em không thể vào đại học. Sau này, em cần học thay cho cả phần anh”.
Mồng hai Tết anh đi. Cùng năm đó, người anh con bác ruột là Nguyễn Đức Thúy, sinh viên năm thứ ba Đại học Ngoại giao, chuẩn bị thực tập ở Pháp, cũng nhập ngũ. Và cả hai anh cùng hy sinh ở Quảng Trị, khi “Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”. Mẹ tôi đã nhiều lần vào Quảng Trị tìm mộ anh, nhưng tìm đâu bây giờ giữa mảnh đất bị đào xới bởi đạn bom trăm nghìn lần như thế.
Có người nói, hãy xin một nắm đất Quảng Trị về chôn ở quê nhà. Tôi an ủi mẹ, thôi đâu cũng đất quê nhà, mẹ ạ. Đất Quảng Trị đâu chỉ có mình anh. Cả nước đều ở đây! Bên kia, bên này chết đều ở đây. Anh tôi chết chỉ có một lần. Còn mẹ tôi sau đó chết đến hàng trăm nghìn lần mỗi dịp nhớ con, mỗi Tết đến, xuân về, mỗi kỷ niệm 30/4, 27/7...
Quảng Trị làm sao quên! Quảng Trị là tôi. Quảng Trị là Tổ quốc!
***
Sau chiến tranh hàng chục năm, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sống và viết ở Trị - Thiên suốt thời chống Mỹ với bút danh Vũ Ngàn Chi vẫn ám ảnh bởi Quảng Trị, vẫn có một Quảng Trị, từ một tên làng nhỏ loi thoi bên bờ cát yêu thương, nâng đỡ:
Mẹ chẳng cố tình bắt ta lưu giữ
em không hề khuyên
không bát về dâng hương ngày giỗ kỵ
một tên làng Quảng Trị
suốt đời đâu dám quên...
Không, không thể mất đi Quảng Trị, dẫu một tên làng. Vì đó là lịch sử, một lịch sử thấm máu và tình yêu.
Không, không thể xa Quảng Trị, như Chế Lan Viên từng không thể tạ từ:
Anh cúi mặt bên đèn khêu lại bấc
Nước mắt nhỏ sau câu hò, em lấy tay che...
Mơ hồ hơi của bể, hơi thời gian
Hơi những gì đã biến đã tan
Dẫu đến chết chẳng bao giờ từ tạ
Ðất quê mẹ sim, mua và vạt áo vá quàng.../.