Quảng Trị: Kinh tế bứt phá nhờ nền tảng hạ tầng đồng bộ

Việc hợp nhất hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ mở rộng địa giới hành chính mà còn mở ra không gian phát triển mới, hình thành trung tâm động lực kinh tế.

Tích hợp không gian, đột phá từ hạ tầng liên vùng

Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới được đánh giá là một trong số ít địa phương sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng và đồng bộ, với đầy đủ các thành phần: cao tốc, cảng biển, sân bay, đường sắt và đường ven biển. Đây là nền tảng quan trọng để mở rộng không gian phát triển và hình thành các chuỗi liên kết vùng hiệu quả.

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Trị, Quảng Bình (cũ) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Bộ Xây dựng, sau khi sáp nhập, tổng cộng nguồn vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng cảng biển của Quảng Trị sẽ hơn 21.000 tỷ đồng, trong đó địa phương này sẽ chú trọng đầu tư vào các cụm cảng nước sâu đang là thế mạnh của địa phương này. Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị sẽ có từ 28 đến 37,5 triệu tấn hàng, với khoảng 18 bến cảng, 26 đến 34 cầu cảng. Tầm nhìn đến năm 2050 số lượng hàng hóa các cảng ước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6%/năm đến 4,5%/năm.

Cảng biền Hòn La

Cảng biền Hòn La

Sau khi sáp nhập tỉnh Quảng Trị sẽ là số ít địa phương trong cả nước sở hữu cho mình hai bến cảng nước sâu có khả năng tiếp đón tàu tải trọng lớn. Đồng thời, việc phát huy hết tiềm năng, công suất của hai cụm cảng nước sâu Mỹ Thủy, Hòn La sẽ giúp Quảng Trị mở đường ra biển. Dự án bến cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, nằm trên địa bàn Quảng Bình cũ, có tổng mức đầu tư 2.299 tỷ đồng, quy mô 39,2 ha. Đây là cảng đầu mối quan trọng phục vụ Khu kinh tế Hòn La, các khu công nghiệp ven biển và kết nối hàng hóa sang Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Với cảng Mỹ Thủy sau khi hoàn thành sẽ cùng với tuyến đường sắt xuyên Á kết nối cảng này đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quốc lộ 15D kết nối đi Cửa khẩu quốc tế La Lay và trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ rút ngắn được quãng đường vận tải trên biển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương. Việc hợp nhất giúp tỉnh Quảng Trị sở hữu hai cụm cảng nước sâu chiến lược là Hòn La và Mỹ Thủy, có khả năng tiếp đón tàu tải trọng lớn, phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, công nghiệp và logistics.

Đồng thời, Quảng Trị hiện là điểm đầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, đóng vai trò là cửa ngõ ra biển của Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan. Hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh đầu tư, mở ra nhiều cơ hội mới trong vận tải, logistics và thu hút đầu tư quy mô lớn.

Bên cạnh cảng biển, sân bay Quảng Trị là một trong những dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ, với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2026. Hiện nay, hạng mục sân đỗ máy bay đã cơ bản hoàn thành. Đồng thời, với quy mô đầu tư 1.750 tỷ đồng, dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và các hạng mục phụ trợ sẽ nâng công suất khai thác của nhà ga lên 3 triệu khách/năm, và hướng tới 5 triệu khách/năm vào năm 2050. Cảng hàng không Đồng Hới sau khi được đầu tư mở rộng sẽ khoác lên mình diện mạo mới, được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng kiến trúc mới của tỉnh Quảng Trị, nơi hội tụ những giá trị thiên nhiên và văn hóa đặc sắc.

Hạ tầng giao thông xuyên suốt được chú trọng

Sau sáp nhập, hệ thống giao thông tại Quảng Trị mới ngày càng hoàn thiện với các tuyến trọng điểm như cao tốc Bùng- Vạn Ninh, Vạn Ninh- Cam Lộ, ngoài ra việc Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn, nâng quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe sẽ giúp cho việc phá triển hệ thống giao thông ở khu vực này tạo nên bước đột phá. Đồng thời, tuyến đường ven biển trải dài sau khi hoàn thành hứa hẹn sẽ kết nối thông suốt với các địa phương như Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An…

Đặc biệt, các dự án trọng điểm, động lực của tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây (giai đoạn 1), đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; các dự án đang triển khai, hoàn thiện các thủ tục để thực hiện đầu tư xây dựng: Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D, đường tránh phía Tây Quốc lộ 1...được tập trung đầu tư.

Ngoài ra, dự án thành phần 1 - Đường ven biển có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, Dự án thành phần 2 – Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Theo quyết nghị điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 3.790 tỷ đồng, trong đó Dự án thành phần 1 - Đường ven biển có tổng mức đầu tư 2.490 tỷ đồng, Dự án thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư giữ nguyên 1.300 tỷ đồng, với mục đích điều chỉnh nhằm đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Dự án giao thông mở rộng cầu Gianh nằm tại quốc lộ 1A đi qua tỉnh Quảng Trị

Dự án giao thông mở rộng cầu Gianh nằm tại quốc lộ 1A đi qua tỉnh Quảng Trị

Việc Quảng Trị chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển, xuất nhập hàng hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tại bài phát biểu khi được Trung ương chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Lê Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho hay: “Tỉnh Quảng Trị mới mang trong mình tầm vóc mới và vận hội mới. Đây là sự kết tinh của hai miền đất từng chia lửa trong chiến tranh, đồng hành trong tái thiết và giờ đây cùng chung khát vọng kiến tạo tương lai. Với diện tích gần 12.700 km², dân số gần 1,85 triệu người, vị trí địa kinh tế, chính trị, quân sự đặc biệt, cùng hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn chỉnh – Quảng Trị có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm phát triển năng lượng, du lịch, logistics và công nghiệp sạch của miền Trung và cả nước”.

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Bình (cũ) và Quảng Trị (cũ) ngày 25/6 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Việc hợp nhất Quảng Bình – Quảng Trị không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính, mà là cơ hội chiến lược để tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển, hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả điều hành. Với tinh thần đổi mới, tự tin, tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa tầm nhìn đó".

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-tri-kinh-te-but-pha-nho-nen-tang-ha-tang-dong-bo-410451.html
Zalo